Mặc dù đảm bảo nguồn năng lượng giá cả phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại vào năm 2030 vẫn có thể đạt được, song điều này đòi hỏi chuỗi các nỗ lực bền vững hơn của thế giới.

Thế giới cần nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu năng lượng toàn cầu. Ảnh: IEA

Đồng quan điểm, nhiều tổ chức quốc tế khác như Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Cơ quan Thống kê Liên Hiệp quốc (UNSD), Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhất trí mọi nỗ lực cần được tập trung ưu tiên triển khai tiếp cận những khu vực có dân số nghèo nhất thế giới và cải thiện tính bền vững của năng lượng.

Khi tiếp cận năng lượng trong những năm gần đây, những tiến bộ đáng chú ý có thể kể đến là số người sống không có điện trên toàn thế giới đã chứng kiến mức giảm từ 1,2 tỷ người trong năm 2010 và 1 tỷ người trong năm 2016 xuống còn 840 triệu người hiện nay. Kể từ năm 2010, Ấn Độ, Bangladesh, Kenya và Myanmar là những quốc gia tiến bộ nhiều nhất. Tuy nhiên, nếu những hành động này không thể duy trì và tăng cường nhiều hơn, 650 triệu người vẫn sẽ không thể tiếp cận điện vào năm 2030. Trong đó, cứ 10 người sẽ có 9 người sống trong khu vực châu Phi – Cận Sahara.

Theo dõi SDG 7, báo cáo về tiến độ năng lượng cũng cho thấy nhiều nỗ lực tích cực đã được triển khai để phát triển công nghệ năng lượng tái tạo nhằm phát điện tốt hơn và cải thiện hiệu quả năng lượng trên toàn cầu. Song cùng lúc, việc tiếp cận các giải pháp nấu ăn với năng lượng sạch và sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất và vận tải vẫn tụt lại rất xa so với mục tiêu đã đề ra.

Được biết, năng lượng tái tạo chiếm 17,5% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu trong năm 2016, tăng cao hơn so với mức 16,6% của năm 2010. Cho đến nay, năng lượng tái tạo vẫn đã và đang được sử dụng ngày càng nhiều hơn trong sản xuất điện. Nhưng tiêu thụ điện nhiệt và sử dụng năng lượng này cho vận tải lại giảm khá nhiều. Bởi vậy, các chuyên gia nhận định cần tăng mức năng lượng tái tạo để các hệ thống năng lượng sẽ trở nên hợp lý hơn, đáng tin cậy hơn, bền vững hơn...

Một khi năng lượng tái tạo trở thành xu hướng chủ đạo, các chính sách đề ra cần bao gồm việc tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống năng lượng rộng lớn, cũng như đề ra kế hoạch cụ thể về các tác động của năng lượng tái tạo đến đời sống kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia.

Có thể nói, nhờ những nỗ lực phối hợp chính sách ở các nền kinh tế lớn, hiệu quả cải thiện năng lượng đã và đang ngày càng bền vững hơn trong những năm gần đây. Tuy nhiên, tốc độ cải thiện cường độ năng lượng sơ cấp toàn cầu vẫn khá chậm, đặc biệt trong giai đoạn 2017 – 2018. Vì vậy, tăng cường các chính sách hiệu quả năng lượng là bắt buộc, cộng thêm thúc đẩy cơ chế thị trường và cung cấp thông tin chất lượng về hiệu quả năng lượng... sẽ là những biện pháp chính để hỗ trợ đạt được mục tiêu chung của toàn cầu.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Devdiscourse)