Các nhà hoạch định chính sách FED tại hội nghị được tổ chức ở thành phố Dallas, tiểu bang Texas, Mỹ. Ảnh: Reuters

Các nhận xét được đưa ra cho thấy, kết quả của cuộc chiến thương mại kéo dài 10 tháng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là một yếu tố quan trọng khi các nhà hoạch định chính sách của FED cân nhắc thời gian duy trì sự “kiên nhẫn” đối với lãi suất.

“Tôi cảm thấy số liệu là tốt, nhưng tình hình đang bấp bênh, vì vậy nếu sự không chắc chắn được giảm bớt, thì tôi hy vọng động lực của nền kinh tế sẽ có khả năng tăng trưởng", Chủ tịch FED chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo bà Mary Daly: “Nếu sự không chắc chắn vẫn còn tồn tại, thì tôi nghĩ rằng đó là một bất lợi cho nền kinh tế, bởi vì sự không chắc chắn sẽ có những tác động thực sự”.

Chủ tịch FED chi nhánh Richmond, ông Thomas Barkin và Chủ tịch FED chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic cũng cho rằng, những bất ổn xung quanh thương mại có thể làm tổn hại đến tăng trưởng, trong khi việc giải quyết những bất ổn này có thể thúc đẩy tăng trưởng.

Trong một động thái liên quan, Chủ tịch FED chi nhánh Dallas, ông Robert Kaplan nói với các phóng viên: “Tôi đã theo dõi rất cẩn trọng những căng thẳng thương mại này diễn ra như thế nào, bởi vì tôi có một mối quan tâm về việc, liệu điều đó có thể gây ra một số sự giảm tốc trong tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận”. 

Được biết, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra những nhận xét nói trên tại một hội nghị FED Dallas về công nghệ, nơi các học giả, nhà giáo dục và các nhà hoạch định chính sách nhóm họp để thảo luận về tác động của những tiến bộ công nghệ như trí tuệ nhân tạo đối với lạm phát, các thị trường lao động và nền kinh tế.

Trong đó, nghiên cứu được trình bày cho thấy, việc áp dụng những công nghệ mới có thể đang đẩy lùi lạm phát và thay đổi tính chất của công việc theo cách có thể làm gia tăng những bất bình đẳng thu nhập hiện đang rộng lớn.

Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters)