Núi rác thải nhựa gần thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Greenpeace

Theo Ipsos Business Consulting, 49% số người được hỏi trong một cuộc khảo sát trực tuyến trên 3.928 người tiêu dùng ở 3 quốc gia trong khu vực cảm thấy việc xử lý chất thải hiện là ưu tiên hàng đầu ở quốc gia của họ; trong khi đó, 55% số người được hỏi cho rằng, việc sử dụng nhựa quá mức là một vấn đề nghiêm trọng.

Khi được hỏi ai nên chịu trách nhiệm lớn nhất trong việc tìm ra cách làm giảm số lượng bao bì không cần thiết được bán ra, hơn 2/3 người tiêu dùng (tương đương 67%) khẳng định, trách nhiệm cần phải được chia đều giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nói về kết quả của cuộc khảo sát, cùng những quan sát của nhóm làm việc của mình về những gì đang xảy ra trên toàn khu vực, ông Chukiat Wongtaveerat, Giám đốc của Ipsos Business Consulting tại Thái Lan lưu ý, khảo sát của Ipsos cho thấy người tiêu dùng đang đồng lòng với những hành động cần thiết, khi xã hội có tác động có ý nghĩa trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa.

Cũng theo ông Chukiat Wongtaveerat, những gì chúng ta nhìn thấy từ cuộc khảo sát này là người tiêu dùng đang kỳ vọng sự lãnh đạo và chỉ đạo lớn hơn từ Chính phủ và doanh nghiệp.

Trong khi có một số điển hình tốt về việc cắt giảm nhựa từ các công ty đóng gói, các nhà sản xuất hàng hóa đóng gói và nhà bán lẻ, người tiêu dùng dường như đã sẵn sàng và mong đợi hành động đầy tham vọng hơn nhiều.

Thanh Ngân (Lược dịch từ The Nation)