Nguồn gốc thực phẩm được kiểm soát tốt sẽ tăng tính an toàn giúp du khách yên tâm hơn khi ăn uống
Khó kiểm soát
Theo quy định hiện hành, đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống du lịch, ngoài đảm bảo nguồn gốc thực phẩm, vệ sinh trong chế biến thì yêu cầu quan trọng nữa là phải thực hiện đầy đủ việc lưu mẫu thức ăn và có sổ nhật ký ghi chép lại các món ăn hàng ngày.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện các quy định này không phải cơ sở nào cũng tuân thủ đúng, kể cả cơ sở các khách sạn cao sao. Vào cuối tháng 4/2019, đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra việc đảm bảo an toàn thực phẩm tại các khách sạn trước Festival Nghề truyền thống Huế 2019 và kỳ nghỉ 30/4, 1/5. Tiến hành kiểm tra đột xuất tại một khách sạn 4 sao trên đường Bến Nghé, TP. Huế, khách sạn này đã không thực hiện đầy đủ việc ghi nhật ký. Thậm chí, khi có đoàn liên ngành đến, khách sạn mới “lật đật” tiến hành lưu mẫu các món ăn.
Qua đợt kiểm tra, một điều dễ dàng nhận thấy, có rất nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ du lịch không tuân thủ quy định, còn xem thường việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với khách du lịch. Lãnh đạo ngành du lịch nhìn nhận, đối với những khách sạn lớn vẫn tồn tại những sai sót trong việc đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm thì ở các khách sạn thấp sao, nhà nghỉ du lịch và các nhà hàng, quán ăn bình dân là điều phải lo lắng.
Cần tăng cường kiểm tra
Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về việc không bảo đảm an toàn thực phẩm trong bếp ăn, nhà hàng ăn uống, khu nghỉ dưỡng sẽ phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về lưu mẫu thức ăn và lưu nhật ký; phạt tiền từ 7 – 10 triệu đồng đối với chủ cơ sở không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. |
Nhu cầu của du khách, nhất là khách nước ngoài ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm du lịch, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong cuộc cạnh tranh thu hút du khách, môi trường du lịch đẹp, lành mạnh, an ninh là chưa đủ, mà còn cần tính an toàn.
Dù thế, điều khiến nhiều người trong cuộc và đặc biệt du khách lo lắng là tần suất của những đợt kiểm tra còn quá ít. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho hay, theo quy định, mỗi năm cơ quan chức năng chỉ được phép kiểm tra 1 lần đối với các doanh nghiệp. Chỉ khi có những sự cố, hay những sự kiện đặc biệt mới có thể kiểm tra.
Theo Thanh tra Sở Du lịch, định kỳ, đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra. Tuy nhiên, chỉ vào những đợt đặc biệt và tại các đợt kiểm tra này chủ yếu là nhắc nhở, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với vấn đề vệ sinh và an toàn thực phẩm. Chế tài xử phạt vi phạm vẫn có, nhưng ít khi sử dụng.
Huế đang bước vào những tháng cao điểm của nắng nóng. Thực phẩm vào mùa này nhanh bị hư hỏng. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng thực phẩm cao hơn, nhất là các điểm du lịch gắn với biển, suối. Bên cạnh đó, Huế đang tập trung xây dựng Huế thành “Kinh đô ẩm thực”. Việc hình thành chuỗi nhà hàng và đảm bảo an toàn thực phẩm chính là điều bắt buộc, để nâng cao khả năng phục vụ khách, tạo ấn tượng tốt hơn, khẳng định thương hiệu sản phẩm ẩm thực.
Bài, ảnh: Đức Quang