Có kẻ lập luận, để tồn tại và sinh sống, con người cần phải có nước và lửa, vậy là cái giếng nước ra đời. Suy diễn tiếp, có lẽ tổ tiên ta từ xa xưa đã lấy nước từ các dòng sông, ao hồ để sinh họat, sau đó mới đào giếng để lấy nước. Điều đó có nghĩa, giếng nước là thành tựu, là bước tiến, là nét văn hóa của con người. Nghĩ lại thấy đúng, như ở Huế mình chẳng hạn, giếng nước đa dạng và phong phú đến bất ngờ. Chỉ xét về hình dáng, có giếng đất, giếng đá không có bờ thành dành cho kẻ nghèo. Ai đó lỡ bước có khi ngã ùm xuống giếng như chơi. Lại có giếng thành vuông, thành tròn, thành lục giác... được xây dựng bề thế ở một địa điểm trung tâm của xóm, của làng. Một thời, giếng nước là nơi hò hẹn.
Ở vùng Dạ Lê quê tôi có một giếng vuông nước trong leo lẻo, nghe bảo có từ thời Chăm. Cái xóm nhỏ bao bọc xung quanh cũng ăn theo, được gọi tên là xóm Giếng Thành. Còn nữa, có một giếng sâu hun hút nằm phía trước chùa làng, quen gọi là giếng Chùa có hình lục giác và cái xóm nhỏ ở đó cũng được gọi là xóm Giếng Chùa. Nghe đồn, giếng Chùa có từ thời xa xưa, nằm ở nơi cao ráo nhất xóm. Một thưở, đó là nơi tụ tập của trẻ con trong xóm vào dịp hè về. Từ cái giếng Thành, giếng Chùa quê mình, tôi đã nghĩ đến cái giếng nước như một chứng nhân của lịch sử, là dấu tích văn hóa còn lại của một thời. Người ta bảo giếng vuông là của người Chăm, còn giếng tròn của người Việt. Vậy thì, lý giải sao đây khi trong khu vực Hoàng Thành – Tử Cấm Thành có 18 cái giếng tất thảy thì có tới 14 cái giếng vuông. Câu trả lời từ các nghiên cứu, nhà Nguyễn đã biết vừa kế thừa truyền thống dân tộc lại vừa tiếp thu nét ưu việt trong kỹ thuật đào giếng của người Chăm.
Đào một giếng nước không khó. Vậy nhưng, để có một cái giếng có được nhiều nước và nước uống được, uống ngon ở Thừa Thiên Huế mình lại là chuyện khác. Có nơi chỉ đào xuống vài mét đất là đã bắt gặp nước và mạch nước chảy ào ào, ngược lại có chỗ sâu cả chục mét, đôi khi phải đào xuyên qua đá mà nước vẫn cứ ri rỉ. Nhiều vùng ở Phú Sơn, giếng nước bị phèn, cơm nấu ra đen thui. Có giếng nước trong mát lại ngọt dịu, ngược lại có thứ nước giếng uống vào cứ ơn ớn, lờm lợm thế nào. Mà đâu cần xa xôi chi, có khi chỉ cách một con xóm. Tôi nhớ lần đầu tiên ra mắt ông bố vợ ở xóm Hành (Huế) vào dịp mùa hè nắng rát như hiện nay; chạy ra vườn nhìn xuống giếng nước mà hoa cả mặt mày, giếng sâu trên cả chục mét. Thì ra, từ phố lên xóm Hành làm rẫy, nơi mà người dân sở tại lắc đầu ngao ngán về chuyện nước, ông bố vợ tôi nghĩ ngay đến việc sống chung bằng cách đào giếng. Con cái được huy động, ròng rã mấy năm trời để cuối cùng có được giếng nước sâu hút kia, gia đình chủ động trong sinh hoạt và sản xuất, cả xóm cũng được nhờ theo.
Xưa kia khi nước máy chưa có, chuyện nước nôi trăm sự đều trông chờ vào giếng nước. Nắng hạn như vầy kéo dài là thước đo giá trị của một giếng nước và là một thông số giúp ta hiểu rõ hơn về một vùng đất. Khô cạn nhìn xuống giếng nước sâu thăm thẳm lại hiểu hơn nỗi gian truân, khả năng vượt khó, không chịu đầu hàng hoàn cảnh của người dân Huế mình. Không còn nữa giá trị sử dụng hôm nay, giếng nước có thể bị rong rêu và màu thời gian che phủ nhưng từ trong sâu thẳm của trái tim người Huế, cùng với mái chùa, bờ tre thì giếng nước không bao giờ phai mờ và chẳng gì phai lấp được.
Đình Nam