Mỗi lần nhận điện thoại dì, mẹ đều thúc tôi chạy về quê một chuyến. Vượt chưa tới trăm cây số nhưng đơn giản chỉ là ra cho dì vui và nhận lấy tấm lòng thơm thảo của dì là quả mít, trái hạnh, chục trứng… Có hôm chưa thu xếp được công việc, chập tối mới tới nơi. Điện thoại không nghe bắt máy, tìm trong nhà, trên nương đều không thấy, tôi xách xe chạy lòng vòng ra đồng. Té mô dì lụi hụi bắt ốc về cho vịt, điện thoại bỏ trong nón thu dưới gốc cây. Vừa tức vừa thương, tôi dằn dỗi: “Răng dì không ở nhà mà nghỉ ngơi, tối đi lội hói, lội đồng lỡ có chuyện chi”…! Dì cười “Ời! Ời!” trấn an. “Dì về chừ, làm kẻo buồn tay buồn chân. Đợi út cả ngày không chộ nên dì mới ra đồng”! Về nhà có cái chi dì gói gói, đùm đùm. “Cái ni cho mẹ mi. Cái ni cho thằng cu. Cái ni dì để dành cho út….” Nhìn dáng đi khòm khòm, kiểu cột dây chuối tẩn mẩn tỉ mỉ, tôi như thấy bóng dáng đã khuất của ngoại.
Nhà ngoại chứa cả kho quà luôn gây hứng thú cho lũ cháu mỗi lần về nghỉ hè. Cây trái quanh vườn không kể hết. Nghe báo lũ cháu sắp ra là ngoại cầm sào tăng cường canh giữ. Chả phải canh phường trộm cắp gì, chỉ là trẻ giữ trâu buồn miệng hái ăn quá trớn. Dì kể có lần mấy đứa giữ trâu hái ổi ném nhau, ngoại cầm cây sào ra vừa huơ vừa xin: “Để cho mấy đứa cháu tau ở thành phố sắp về với bây ơi”!
Ngoại có cách để dành rất hay là phơi khô. Khoai khô, mít khô, thơm khô… Sáng nào mấy đứa tôi ngủ dậy rửa mặt, ăn sáng xong là đứng xếp hàng. Ngoại cầm cái đạy (túi) vải tự may, rút dây lấy mấy món trái cây phơi khô khẽ khàng đặt vào mấy bàn tay nhỏ xíu khum khum vào mong nhận được nhiều hơn mỗi ngày.
Gây lộn, cãi nhau, khóc lóc, kiện cáo… đứa nào thua thiệt ngoại cũng có cách dỗ dành hiệu quả. Hễ nghe ngoại xướng tên, vẫy tay xuống bếp thì y như đứa đó “trúng số”. Có lúc là mấy trái ổi sẻ chín đỏ ngoại giấu trong chum gạo hay là năm trái mâm xôi chín bọc trong tấm lá chuối tươi thơm lừng. Cách cho quà của ngoại luôn gây bất ngờ khiến bây giờ có chồng, có con chúng tôi ngồi hồi tưởng vẫn thấy cách bà dạy cháu làm việc thật đặc biệt. Ngoại sai: “Con út xuống giếng xách lên xô nước đổ vô chum”! Nếu siêng năng, y như rằng trong lúc đổ nước sẽ phát hiện thấy chùm trái chu bòi chín trong xô ăn chua chua ngòn ngọt. Ngoại lệnh: “Thằng cu lấy chén đũa rửa lại cho sạch trưa ăn cơm”! Thằng cu lững thững đi vô chạn đã thấy ngay chùm bồ quân đựng trong cái chén… Bởi vậy, về quê ngoại đứa mô cũng siêng sắn làm việc, hô chi cũng chạy, ngồi chờ sai việc để được phát hiện những phần thưởng bí mật và đầy bất ngờ của ngoại. Mỗi ngày hè là một ngày thú vị đến nỗi chúng tôi thấy hè sao mà ngắn, mà trôi nhanh quá đỗi!
… Nhà ngoại giờ khác xưa nhiều, ngoại mất, cậu út san hết cây lâu niên để trồng cây lấy gỗ, trồng chuối… Riêng cái giếng được bao quanh bưởi, mít, nơi đong đầy kỷ niệm tuổi thơ lũ cháu vẫn như xưa. Đó là nhờ dì “đấu tranh” xin giữ nguyên hiện trạng vì dì biết dù đã có con, mấy đứa cháu vẫn thích quây quanh giếng tắm táp, chơi đùa khi về quê kỵ giỗ.
Mỗi lần lũ cháu về rồi lại đi, dì lẽo đẽo theo sau, ra tận đầu mương thủy đợi chờ cho đến khi bóng xe mất hút rồi mới lững thững vào nhà. Dáng đi ấy, cái vẫy tay ấy sao giống ngoại đến lạ. Nhiều khi tôi không dám ngoảnh đầu lại bởi sợ nước mắt cứ ứa ra, thế nào mấy dì cháu cũng khóc rồi bịn rịn chẳng thể rời đi. Quê tôi đâu xa ngái nhưng mỗi lần về là mỗi lần thương. Cái cảm xúc ấy tự nhiên bật lên, không thể diễn tả thành lời!