Việt Nam nỗ lực tăng cường chất ượng sức khỏe cộng đồng. Ảnh minh họa: The ASEAN Post

Hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều cam kết đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn cầu (UHC) vào năm 2030, và coi đây là một phần của các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hiệp quốc. Trong tình hình này, một số quốc gia đang chứng kiến tiến bộ vượt bậc hơn các nước khác trong việc không chỉ cung cấp quyền truy cập toàn diện và dễ dàng hơn vào các dịch vụ y tế cho mọi công dân, mà còn hỗ trợ người dân sử dụng thuốc và vaccine giá cả phải chẳng hơn. Một trong số những quốc gia dẫn đầu là Việt Nam.

Ngày nay, 87,7% dân số Việt Nam, tương ứng khoảng 83,6 triệu người đã có bảo hiểm y tế. Theo báo cáo giám sát toàn cầu mới nhất của UHC, được đồng công bố bởi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng thế giới (WB), 97% trẻ em Việt Nam đã đạt được mức chủng ngừa chuẩn, cao hơn so với mức 95% trẻ em Mỹ. Kể từ năm 1990, tỷ lệ tử vong ở các bà mẹ tại Việt Nam cũng giảm 75%.

Bất chấp việc tính đến năm 2017, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 2.342 USD, song Việt Nam đã và đang quản lý rất tốt và đạt được một số dấu mốc thành công trước hạn. Chìa khóa thành công không đến từ quy mô đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực y tế, quan trọng hơn là cách chính phủ đã tận dụng nguồn lực của mình rất tốt, bao gồm cả vốn trí tuệ của đất nước.

Cách tiếp cận chiến lược của Việt Nam được nhìn thấy trong chương trình hoạt động y tế của Bộ Y tế, đòi hỏi các cơ sở y tế ở cấp chính quyền trung ương và cấp tỉnh hỗ trợ nâng cao năng lực của các cơ sở y tế cấp quận và cộng đồng. Mục tiêu chính của chương trình này là san sẻ gánh nặng cung cấp dịch vụ y tế từ các bệnh viện tuyến trên sang các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cấp thấp hơn.

Động thái được triển khai trong bối cảnh từ lâu nay, người dân Việt Nam vẫn thường bỏ qua các trung tâm chăm sóc sức khỏe địa phương để chọn khám, chữa bệnh tại những bệnh viện lớn ở các thành phố trung tâm. Việc này tạo nên sự thiếu hiệu quả trong hệ thống y tế, đồng thời cũng tăng mức phí mỗi bệnh nhân và gia đình phải chi trả, song hiệu quả chữa trị vẫn không được đảm bảo.

Vì vậy, bên cạnh đảm bảo các trung tâm y tế cộng đồng có thể đưa ra mức khám, chữa bệnh phải chăng những vẫn đảm bảo chất lượng, điều cần làm là thay đổi nhận thức của người dân. Về phía cơ sở y tế, cần tăng cường mối quan hệ với cộng đồng nhân dân, trên hết là bằng cách thường xuyên cung cấp dịch vụ tốt, đảm bảo hài lòng cho bệnh nhân. Là một trong số những nỗ lực, chính phủ Việt Nam đã thành lập một Nhóm hoạt động mới về chuyển đổi chăm sóc sức khỏe ban đầu do Bộ Y tế Việt Nam đứng đầu, với sự tham gia của nhiều tổ chức phi lợi nhuận, doanh nghiệp tư nhân khác nhau. Các đối tác sáng lập của nhóm là Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Đại học Y khoa Harvard và Tập đoàn Dược Novartis. Nhiệm vụ đề ra của nhóm là tăng cường chất lượng các dự án chăm sóc sức khỏe ban đầu hiện có tại 30 tỉnh, thành Việt Nam và áp dụng nhiều kinh nghiệm để mô hình này ngày càng được nhân rộng.

Nhìn chung, vẫn còn nhiều thách thức trên con đường đảm bảo sức khỏe của Việt Nam, đặc biệt là về môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật và tỷ lệ hút thuốc vẫn còn cao ở nam giới, tỷ lệ tiêu thụ rượu quá cao... Cùng lúc, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Do đó, vì mục tiêu sức khỏe, mọi nỗ lực đều cần được triển khai với trung tâm chính là cải thiện kết quả, chất lượng sức khỏe cho người dân.

Đan Lê (Lược dịch từ The ASEAN Post)