Sau khi thay đổi bao bì đóng gói sản phẩm, doanh số bán hàng của Công ty TNHH Mè xửng Thiên Hương tăng gấp 3 lần so với trước

Là cái nôi của nghề và làng nghề truyền thống với 92 làng nghề, trong đó có 41 làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử lâu đời như đúc đồng, mây tre đan, điêu khắc gỗ, gốm, tranh giấy…, song lâu nay Huế vẫn thiếu các sản phẩm LN&QT đặc trưng và mang bản sắc văn hóa Huế; chưa có các bộ sưu tập hàng lưu niệm độc đáo đáp ứng nhu cầu của khách. Đây cũng chính là lý do để các sản phẩm LN& QT ở các tỉnh, thành phố trong nước xuất hiện tràn lan và chiếm lĩnh thị trường, gây khó khăn cho các cơ sở sản xuất cũng như nghệ nhân Huế.

Nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế, ông Phan Thanh Bình cho rằng, Huế có đội ngũ thiết kế có tiềm năng, từ các nghệ nhân, thợ thủ công đến sinh viên các trường đại học, vì vậy đầu tư kinh phí để tổ chức các hội thi, thiết kế sản phẩm sẽ tạo ra nhiều mẫu mã mới, tinh xảo nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trước thực trạng đó, từ năm 2016, Sở Công thương đầu tư kinh phí hỗ trợ các DN, cơ sở phát triển hàng LN&QT và đặc sản thông qua việc nghiên cứu, thiết kế các mô hình mô phỏng các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh đặc trưng của Huế để chuyển giao cho các DN sản xuất số lượng lớn phục vụ du khách.

Qua 3 năm triển khai, đến nay đã có 17 mẫu thiết kế hoàn thành và chuyển giao cho các DN sản xuất hàng LN&QT cung ứng ra thị trường và làm quà tặng cho các đối tác của tỉnh. Trong đó, các mẫu thiết kế mô phỏng cầu Trường Tiền, tượng cụ Phan Bội Châu, lầu Ngũ Phụng, Kỳ Đài Huế, tháp chùa Thiên Mụ, kiệu Triều Nguyễn… được các DN sản xuất số lượng lớn và khách hàng đón nhận.

Tháng 3/2019, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển hàng LN&QT với tổng kinh phí thực hiện 500 triệu đồng và giao Sở Công thương triển khai, thời gian thực hiện từ tháng 3-11/2019 với mục tiêu phát triển các sản phẩm đặc sắc mang bản sắc Huế, phát triển bộ sưu tập hàng LN&QT, góp phần khôi phục và phát triển các làng nghề TCMN và thủ công truyền thống Huế.

Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Đầu tư xây dựng HP, đơn vị tham gia thiết kế mẫu năm 2018, ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, trước khi nhận thiết kế 4 mẫu LN&QT, đó là mô hình súng thần công, cầu ngói Thanh Toàn, kiệu và ấn Triều Nguyễn, DN phải mất hơn 3 tháng tìm kiếm dữ liệu liên quan đến Triều Nguyễn, nghiên cứu các di tích lịch sử và văn hóa Huế để tiến hành thiết kế nhằm đưa ra những thông số chính xác nhất, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất thành công các sản phẩm trên nhiều chất liệu.

Theo ông Huy, thiết kế sản phẩm LN&QT, bao bì đóng gói không những tạo ra nhiều mẫu mã mới, tinh xảo và mang bản sắc riêng cho hàng lưu niệm “made in Huế”, mà còn là dịp để các nghệ nhân, những người thiết kế trẻ có cơ hội nghiên cứu, sáng tạo và nâng cao tay nghề.  

Phó Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Lương Bảy cho biết, với hai nội dung, đó là thiết kế sản phẩm TCMN làm hàng LN&QT Huế và mẫu mã bao bì đóng gói cho sản phẩm lưu niệm và đặc sản, Sở sẽ hỗ trợ kinh phí để các DN, cơ sở thiết kế sản phẩm mô phỏng, cách điệu các bảo vật Việt Nam thời kỳ nhà Nguyễn, các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh, các sản phẩm văn hóa đặc trưng để ứng dụng vào sản xuất sản phẩm trên nhiều chất liệu khác nhau. Đối với thiết kế mẫu bao bì đóng gói, sẽ tập trung hỗ trợ các tổ chức, đơn vị sản xuất các sản phẩm đặc sản Huế có tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng và phát triển sản xuất.

Sau khi hoàn tất phần thiết kế và tổ chức xét chọn, tháng 11/2019, các mẫu thiết kế sẽ được chuyển giao cho các cơ sở sản xuất để sản xuất sản phẩm LN&QT phục vụ khách du lịch, đồng thời xây dựng khu trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại Sân bay Phú Bài để sản phẩm LN&QT, đặc sản Huế đến gần hơn với du khách.

Bài, ảnh: Thanh Hương