2,2% thời gian làm việc toàn cầu sẽ bị mất đi do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ảnh: ILO
Trên thế giới, các quốc gia nghèo nhất, đặc biệt là tại khu vực Tây Phi và Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Dựa trên giả định mức tăng nhiệt độ trung bình sẽ không vượt quá 1,5oC, đến năm 2030, năng suất làm việc mất đi sẽ tương ứng với 80 triệu việc làm toàn thời gian, hoặc 2,2% tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới. Thiệt hại mà nền kinh tế toàn cầu gánh chịu sẽ ở mức 2.400 tỷ USD.
Với khoảng 940 triệu người đang hoạt động trong ngành sản xuất nông nghiệp, nông dân sẽ là đối tượng chịu tác động nghiêm trọng nhất bởi nhiệt độ tăng cao. Cụ thể, đến năm 2030, 60% thời gian làm việc trong ngành này sẽ biến mất. Không chỉ riêng nông nghiệp, lĩnh vực xây dựng cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, khi ước tính sẽ giảm 19% thời gian làm việc trong ngành vào cuối thập kỷ tới, ILO tuyên bố. Các lĩnh vực khác có nguy cơ bao gồm vận tải, dịch vụ, du lịch và thể thao với mức thất thoát 5% tổng số giờ làm việc trên toàn cầu vào năm 2030.
Hiểu rõ những bất lợi của các cộng đồng tại khu vực nghèo nhất thế giới phải trải qua do họ thường xuyên thiếu nguồn lực thích ứng với mức nhiệt gia tăng, Catherine Saget – Trưởng Bộ phận nghiên cứu của ILO nhấn mạnh điều này sẽ làm trầm trọng hơn khoảng cách và sự bất bình đẳng giữa các nước thu nhập thấp và thu nhập cao, cũng như dẫn đến điều kiện việc làm tồi tệ hơn cho những cá nhân dễ bị tổn thương nhất. Thiệt hại kinh tế sẽ nhìn thấy rõ với tỷ lệ việc làm giảm, thiếu bảo trợ xã hội...
Nhằm thích ứng với tình trạng này, ILO kêu gọi chính phủ, chủ lao động và bản thân người lao động triển khai chuỗi hành động khẩn cấp, trong đó tập trung bảo vệ đối tương lao động dễ bị tổn thương bao gồm: cải thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống cảnh báo sự kiện thời tiết khắc nghiệt, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn lao động quốc tế về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp để hỗ trợ giải quyết các thách thức liên quan đến nhiệt.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ ILO & Devdiscourse)