Thanh đồ ăn nhẹ Yes! của Nestle. Nguồn: Nestle
Mối quan tâm về môi trường đang ngày càng ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của người tiêu dùng, buộc các nhà sản xuất và đóng gói hàng hóa phải suy nghĩ lại về cách họ đóng gói sản phẩm của mình.
Nestle từng bị nhóm môi trường Greenpeace chỉ trích vì không nhanh chóng loại bỏ loại nhựa sử dụng một lần. Tuy nhiên, công ty này cho đến nay đã tập trung vào việc phát triển các loại bao bì có thể tái chế hoặc tái sử dụng và đã thành lập hẳn một viện nghiên cứu để phát triển các giải pháp mới trong lĩnh vực này.
“Người tiêu dùng muốn tạo ra thay đổi qua việc đưa ra quyết định mua hàng của mình”, ông Alexander Alexander von Maillot, người đứng đầu bộ phận sản xuất bánh kẹo của Nestle cho biết.
Công ty đã tung ra bao bì giấy cho sản phẩm bột sữa Nesquik trong quý đầu tiên của năm 2019 và sẽ giới thiệu các túi làm bằng giấy cho thức uống Milo vào năm 2020.
Nestle cho biết giấy gói thanh đồ ăn nhẹ mới được làm từ giấy và lớp sơn phủ gốc nước để đảm bảo thời hạn sử dụng tương tự như nhựa. Công ty có thể đưa loại giấy này vào các dây chuyền sản xuất tốc độ cao hiện có với tốc độ đóng gói tới 500 thanh đồ ăn nhẹ mỗi phút.
Sau khi được phát triển, bao bì giấy có thể được áp dụng cho các sản phẩm khác như thanh KitKat, nhưng ở giai đoạn này, các đối tác của Nestle không thể cung cấp đủ nguyên liệu giấy cho công ty, ông Jas Scott de Martinville, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu bánh kẹo Nestle ở York (Anh) cho biết.
Sau khi có kết quả đáng khích lệ ở Anh và phản hồi tốt từ các khách hàng bán lẻ, các thanh đồ ăn nhẹ hiện sẽ có mặt ở hơn một chục quốc gia châu Âu, trong đó có cả Đức và Ireland, Nestle thông tin.
Anh Tuấn (Lược dịch từ Reuters)