Thành cổ Bagan của Myanmar vừa được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Ảnh: Global Travel

Quyết định công nhận tầm quan trọng của địa điểm này ở Myanmar, bao gồm hơn 3.500 bảo tháp, đền thờ, tu viện và các công trình khác được xây dựng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành du lịch nước này. Đề xuất của Myanmar về việc đưa địa danh vày vào danh sách Di sản Thế giới đã được chấp thuận tại cuộc họp của UNESCO đang diễn ra ở ở Baku, Azerbaijan.

Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế nhấn mạnh rằng Myanmar đã thông qua luật di sản mới và đã hình thành kế hoạch để giảm tác động của các khách sạn và sự phát triển du lịch quanh khu vực này. Myanmar cũng đã thay đổi một số "can thiệp bảo tồn không phù hợp", khi Bagan có vai trò rất quan trọng vì ý nghĩa lịch sử của nó và là nơi thờ phượng Phật giáo.

Bagan lần đầu tiên được đề cử vào danh sách Di sản Thế giới vào năm 1995, nhưng chính quyền Myanmar vào thời điểm đó bị cáo buộc đã phớt lờ lời khuyên của các chuyên gia về các nỗ lực phục hồi và đề cử đã bị từ chối. Ngoài ra, động đất cũng đã làm hư hỏng một số công trình kiến ​​trúc cổ, gần đây nhất là vào năm 2016 khi gần 200 ngôi đền bị hư hại bởi trận động đất 6,8 độ richter.

Sau đó, Myanmar đã đổi mới các nỗ lực để đưa địa điểm này vào danh sách Di sản của UNESCO bắt đầu vào năm 2011. "Bagan là di sản sống, đã đối mặt với mọi kiểu thách thức trong hơn 1.000 năm", nhà ngoại giao Myanmar Kyaw Zeya – đại diện cho phái đoàn Myanmar tại cuộc họp ở Baku phát biểu. Ông cũng khẳng định nước này sẽ tiếp tục các nỗ lực bảo tồn và quản lý Bagan để di sản quý giá này tồn tại thêm 1.000 năm nữa.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ ANN)