ASEAN thúc đẩy cho quá trình chuyển đổi sang sử dụng xe điện nhiều hơn. Ảnh: The ASEAN Post
Báo cáo mới nhất của các chuyên gia tư vấn thuộc công ty Bain & Company dự đoán mức đầu tư mới hằng năm của khu vực vào xe điện sẽ tăng lên đến 6 tỷ USD vào năm 2030. Điều này cũng sẽ đòi hỏi thêm một khoản chi phí mới trị giá 500 triệu USD dùng để cải tạo cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nhu cầu điện khí hóa.
Cùng với hàng tỷ USD, ASEAN cần đầu tư vào dịch vụ viễn thông liên quan đến EV, cũng như công nghệ thông tin, dịch vụ khách hàng, hệ thống quản lý, Bain & Company nhận định nhiều khả năng thị trường xe điện của ASEAN có thể trở thành một trong những phân khúc tăng trưởng lớn mạnh nhất trong thập kỷ tới.
Dự đoán này ngày càng được khẳng định hơn nữa khi tài liệu nghiên cứu mang tên “Tìm kiếm con đường mới đến tương lai xe điện Đông Nam Á” lưu ý, lộ trình phát triển trong thị trường EV có thể sẽ chậm lại trong vài năm tới, song sau đó sẽ nhanh chóng tăng trưởng vượt bậc từ sau năm 2025, sau khi các chướng ngại và rào cản đều đã được vượt qua.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, dù người tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á đã sẵn sàng chuyển sang di chuyển bằng xe điện, song vẫn còn tồn tại những thách thức ngăn cản thị trường xe điện của khu vực phát triển bao gồm: sự sẵn có của các mô hình xe điện, Tổng chi phí sở hữu (TCO) và giá mua, hỗ trợ của chính phủ về cơ sở hạ tầng, tức xây dựng các trạm sạc điện tiện lợi...
Tính đến thời điểm hiện tại, xe hai bánh cũng là phân khúc lớn của ngành vận tải. Trong đó, các quốc gia như Indonesia và Việt Nam-hai thị trường chính cho dòng phương tiện này cũng đang thúc đẩy phổ biến sử dụng xe đạp và xe máy điện.
Cụ thể, vào tháng 11/2018, VinFast Việt Nam đã cho ra mắt dòng xe tay ga điện Klara với khả năng chạy quãng đường dài 80km nếu đầy pin, vận tốc đạt 30km/h. Trong giai đoạn sản xuất đầu tiên, VinFast cam kết sẽ xuất xưởng 250.000 chiếc/năm, kết hợp giảm giá cho phiên bản pin lithium-ion và phiên bản sử dụng ắc quy a-xít nhằm kích thích sức mua của người tiêu dùng.
Trong khi đó, với hai nguyên liệu thô sử dụng làm pin xe chính là Coban và Niken, Indonesia hiện đang có kế hoạch sản xuất 60.000 xe máy điện mang thương hiệu Gesits trong năm nay. Trong bài phát biểu tại buổi ra mắt xe mẫu hồi tháng 11/2018, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tự tin rằng đây sẽ là dòng xe 100% do Indonesia sản xuất.
Mặc dù đây chỉ mới là những nỗ lực đáng chú ý của một số ít các quốc gia trong khu vực, song nhìn chung, những bước tiến này là đại diện cho sự phát triển ngắn hạn, dự kiến sẽ tạo đà thúc đẩy cho quá trình chuyển đổi sang sử dụng xe điện nhiều hơn ở ASEAN, tác giả Jason Thomas cho hay.
Hạnh Nhi
(Lược dịch từ The ASEAN Post)