Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở gần như tất cả các vùng biển, bao gồm cả lãnh hải của Malaysia, Philippines và Việt Nam. Ảnh: AFP

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra ngày 20/7, một ngày sau khi Việt Nam cáo buộc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc và nhóm tàu hộ tống đi kèm đã xâm phạm vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và yêu cầu phía Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Tuy nhiên đến nay, phía Trung Quốc vẫn chưa có động thái phản hồi.

Trong tuyên bố ngày 20/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho rằng "các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhằm phát triển dầu khí ngoài khơi của các quốc gia liên quan khác đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở".

Theo Straitstimes, trước đó Mỹ đã nhiều lần lên tiếng chống lại những sự việc diễn ra khi Trung Quốc ngày càng khẳng định mạnh mẽ các yêu sách của mình đối với Biển Đông. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền ở gần như tất cả các vùng biển, bao gồm cả lãnh hải của Malaysia, Philippines và Việt Nam, bất chấp phán quyết năm 2016 từ một tòa án trọng tài độc lập rằng các yêu sách của Bắc Kinh là vô căn cứ về mặt pháp lý.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 3 nói rằng Trung Quốc, bằng cách ngăn chặn sự phát triển ở Biển Đông thông qua các biện pháp cưỡng chế, đã ngăn các thành viên ASEAN tiếp cận hơn 2,5 nghìn tỷ USD dự trữ năng lượng có thể tái tạo.

Hôm 20/7, bà Ortagus cho biết việc cải tạo và quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông của Trung Quốc, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng dân quân hàng hải để bắt nạt, cưỡng ép và đe dọa các quốc gia khác, là hành động "phá hoại hòa bình và an ninh của khu vực".

"Mỹ kiên quyết phản đối sự cưỡng ép và đe dọa của bất kỳ bên nào nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hoặc hàng hải của mình. Trung Quốc nên chấm dứt hành vi bắt nạt và kiềm chế các hoạt động khiêu khích và gây bất ổn này", tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Gregory Poling - Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), gọi tuyên bố này là "sự thay đổi giọng điệu" để có bước ngoặt mới, chuyển trọng tâm chỉ từ tự do hàng hải sang việc đảm bảo tất cả các hoạt động "hợp pháp" trên Biển Đông.

"Bộ Ngoại giao đã có một bước tiến quan trọng với tuyên bố hôm nay về việc Trung Quốc quấy rối hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam và sử dụng dân quân để gây bất ổn Biển Đông," ông Gregory viết trên Twitter.

Theo kế hoạch, 10 thành viên ASEAN sẽ gặp các đối tác đối thoại, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, vào tuần tới tại Bangkok trong Diễn đàn khu vực ASEAN thường niên để thảo luận về các vấn đề khu vực. ASEAN và Trung Quốc đang trong các cuộc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử để quản lý căng thẳng ở Biển Đông.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ AFP & Straitstimes)