Cà phê là một trong những đồ uống phổ biến nhất trên thế giới. Ảnh: Getty Images

Xuất khẩu cà phê

Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Brazil và lớn nhất ở Đông Nam Á. Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) cho biết, trong niên vụ 2017-2018, sản lượng cà phê của Việt Nam đạt 30,54 triệu bao (loại bao 60kg), trong đó có 28,64 triệu bao xuất khẩu.

Theo Báo cáo ASEAN 2018, các chuỗi cà phê địa phương của Việt Nam như Trung Nguyên, Phúc Long và Hinglands phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty nhượng quyền cà phê chuyên nghiệp như Starbucks hay Gloria Jeans. Tuy nhiên, sản phẩm truyền thống của các thương hiệu trong nước vẫn phù hợp hơn với khẩu vị của người tiêu dùng Việt Nam.

Trong khi đó, Indonesia lại nổi tiếng với loại cà phê đắt nhất thế giới có tên là Kopi Luwak, với mức giá có thể lên tới 700 USD/kg. Do điều kiện thời tiết xấu, sản lượng xuất khẩu của nước này trong niên vụ 2017-2018 giảm xuống còn 5,64 triệu bao, so với 8,72 triệu bao trong niên vụ trước đó.

Sau Việt Nam và Indonesia, Lào cũng là nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn ở Đông Nam Á, nhất cà phê Arabica chất lượng cao. Năm 2017, giá trị xuất khẩu cà phê của Lào đã vượt 112 triệu USD.

Phát triển cà phê bền vững

Theo The ASEAN Post, cà phê đang nhanh chóng phát triển thành một mặt hàng có tính bền vững cao hơn do nhu cầu của người tiêu dùng và những cam kết của nông dân trên thế giới.

Theo Tổ chức Thương mại Công bằng Thế giới (WFTO), cà phê thương mại bình đẳng là cà phê được chứng nhận đã thỏa mãn các tiêu chuẩn thương mại công bằng (Fairtrade), bao gồm một mạng lưới toàn cầu gồm nông dân, nhà thu mua, nhà bán lẻ... hoạt động vì mục đích đảm bảo lợi ích cho người dân trồng và sản xuất cà phê trên toàn thế giới. Các tiêu chuẩn của Fairtrade được coi là một phần của cà phê bền vững, và đang thúc đẩy những thay đổi tích cực trong ngành cà phê.

Tổ chức Fairtrade Foundation cho biết, hiện có 25 hợp tác xã cà phê được chứng nhận Fairtrade ở Indonesia, với 98% trong số đó cũng được chứng nhận hữu cơ. Ở Bắc Sumatra, nông dân trồng xen những bụi cà phê hữu cơ với cây ăn quả để tạo ra sức mạnh tổng hợp trong môi trường, đồng thời làm tăng hương vị cà phê. Starbucks cũng đã hợp tác với nông dân Indonesia để sản xuất hạt cà phê chất lượng cao và bền vững.

Trong khi đó ở Việt Nam, nếu như trước đây, người nông dân trồng cà phê thường dựa vào việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu để tăng năng suất và sản lượng thì giờ đây, họ đang tiến gần hơn đến các biện pháp hữu cơ, với mục tiêu hướng tới chứng nhận hữu cơ.

The ASEAN Post dẫn lời ông Phan Minh Thông, chủ tịch của một trong những đơn vị xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam nói rằng nước này đã sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ, Fairtrade và 4C (đều là các tiêu chuẩn trồng cà phê bền vững) trong nhiều năm qua.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ The ASEAN Post)