Đối với dự án, công trình phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế xã hội, sử dụng vốn của nhà nước thì thời hạn bảo hành và trách nhiệm sau thời gian bảo hành cho công trình là cả một vấn đề. Nhiều công trình chung cư, giao thông, thủy lợi… có giá trị đầu tư hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, được thiết kế vĩnh cửu, có thể sử dụng cả 100 năm; song thời gian bảo hành chỉ 1 năm. Thực tế, đã có nhiều công trình khi mới hoàn thành đưa vào sử dụng được thời gian đầu thì khá đảm bảo nhưng khi hết thời gian bảo hành thì bắt đầu xuống cấp. Tuyến tránh Huế là một ví dụ. Được xây dựng hoàn thành vào năm 2003, với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng nhưng chỉ vài năm sau đã xuống cấp; nhà nước phải đầu tư thêm gần 500 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp đảm bảo cho lưu thông. Điều đáng nói là sau lần sửa chữa nâng cấp lớn mới hoàn thành vào giữa năm ngoái thì nay tuyến đường này lại có dấu hiệu xuống cấp hằn lún bánh xe. Trong đợt kiểm tra mặt đường mới đây, Bộ Trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu nhà thầu phải gia hạn bảo hành từ 1 năm lên 2 năm. Đây có thể coi như là bước đột phá để nâng cao trách nhiệm của đơn vị thi công đối với công trình; hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình thi công!

Về lâu dài, cần có quy định chung về thời gian bảo hành, tùy theo đặc thù của sản phẩm. Đặc biệt, đối với các công trình dự án phúc lợi sử dụng nguồn vốn nhà nước, nhằm tránh tình trạng “qua cầu rút ván” như đã từng xảy ra.