Cháy rừng ở gần làng Bokor, tỉnh Riau, Indonesia. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Phát triển Brunei Haji Suhaimi cho rằng ô nhiễm khói mù xuyên biên giới là một vấn đề kéo dài và tái diễn đối với các nước ASEAN, làm ảnh hưởng đến khu vực này trong suốt hơn hai thập kỷ qua.

"Vấn nạn này là rõ rệt và đã gây hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và tài nguyên thiên nhiên, y tế, du lịch, giao thông và các hoạt động kinh tế xã hội khác ở một số quốc gia trong ASEAN", Bộ trưởng Suhaimi nhấn mạnh.

Được biết, khu vực này đặt mục tiêu sẽ đạt được một ASEAN không có khói mù vào năm 2020.

Theo Trung tâm Khí tượng chuyên ngành ASEAN (ASMC), điều kiện thời tiết khô và ấm hơn dự kiến sẽ diễn ra ở khu vực phía nam ASEAN trong thời gian từ tháng 8 - tháng 10/2019. Kiểu thời tiết bất lợi này có thể dẫn đến sự gia tăng các “điểm nóng” và làm tăng nguy cơ xảy ra khói mù xuyên biên giới trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, ông Suhaimi cho rằng để giải quyết vấn đề này đòi hỏi phải có các hành động và biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động thông qua các nỗ lực quốc gia, cùng với sự  hợp tác khu vực và quốc tế giữa các ngành và các bên liên quan.

Trong thông cáo báo chí được đưa ra tại cuộc họp, các quốc gia MSC cam kết sẽ cảnh giác và theo dõi, đồng thời đẩy mạnh các nỗ lực ngăn chặn để giảm thiểu sự xuất hiện của khói mù xuyên biên giới trong kiểu thời tiết khô hanh.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Xinhuanet)