Lãnh đạo các nước bắt tay tại Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 26 ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Khmer Times

Indonesia đã phát triển một chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương lấy ASEAN làm trung tâm, đảm bảo phù hợp với các nguyên tắc của khu vực bao gồm cởi mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên quy tắc.

Quan điểm ASEAN về Ấn Độ - Thái Bình Dương được nhận định là phù hợp hơn với cách tiếp cận an ninh toàn diện của ASEAN, tập trung triển khai các kế hoạch hiện có và khám phá những lĩnh vực ưu tiên hợp tác mới của khu vực bao gồm hợp tác hàng hải, kết nối, các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), hợp tác kinh tế và nhiều khía cạnh khác.

Bên cạnh việc khẳng định AOIP chỉ là văn kiện hướng dẫn, không phải tài liệu pháp lý hay hiệp ước, quan điểm cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các quy tắc và cơ chế hiện hành của khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á, cũng như Hội nghị cấp cao Đông Á. AOIP không nhằm mục đích tạo ra các cơ chế mới hoặc thay đổi các cơ chế hiện có. Nói một cách đúng đắn, quan điểm được tạo ra nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng của ASEAN, cùng lúc tăng cường động lực để thúc đẩy hợp tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương với các cơ chế do ASEAN dẫn đầu. Qua đó đối mặt tốt hơn với thách thức và nắm bắt cơ hội mới.

Cũng thuộc nội dung của tài liệu, AOIP không bỏ qua những vấn đề và nguyên tắc quan trọng đang bị đe dọa trong các tranh chấp hàng hải hiện nay ở Biển Đông. Tài liệu nhấn mạnh tinh thần hợp tác hòa bình để giải quyết tranh chấp; thúc đẩy an toàn và an ninh hàng hải, tự do hàng hải và hàng không....

Nhìn chung, AOIP là một hành động khẳng định sự quyết đoán về chính trị và ngoại giao của ASEAN. Cụ thể, thay vì chịu sự chi phối của các nước lớn như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ và Mỹ như trước đây, ASEAN có cách riêng để phát triển lập trường Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Khmer Times)