Một thánh đường phía bắc thủ đô Jakartar bị bỏ hoang do nước biển xâm thực. Nguồn: Business Insider

Việc khai thác không kiểm soát trữ lượng nước ngầm hàng thập kỷ, mực nước biển dâng cao và các hình thái thời tiết cực đoan là những nguyên nhân làm cho những dải đất của thành phố dần biến mất.

Thủ đô này được xây dựng trên nền của một vùng đầm lầy trong khu vực trước đây từng có động đất, gần khu vực hợp lưu của 13 con sông. Đã vậy, nền đất của thành phố phải chịu thêm áp lực của quá trình phát triển không kiểm soát, giao thông đông đúc và quy hoạch đô thị kém.

Việc khai thác nước ngầm tràn lan và thiếu kiểm soát gây ra hiện tượng sụt lún đất, khiến một số khu vực của Jakarta bị chìm tới 25 cm/năm - gấp đôi mức trung bình toàn cầu của các thành phố lớn ven biển.

Một số khu vực còn có độ cao thấp hơn mực nước biển 4m. Lũ lụt trở nên phổ biến trong mùa mưa và sẽ tồi tệ hơn khi nước biển dâng do sự ấm lên toàn cầu.

Các biện pháp môi trường hiện tại không hiệu quả, vì vậy “thủ đô của chúng ta sẽ chuyển đến đảo Borneo”, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nói trên Twitter.

Quyết định di dời trung tâm hành chính và chính trị của đất nước sẽ là hồi chuông báo tử cho Jakarta, nơi hiện có khoảng 10 triệu cư dân đang sinh sống.

Mặc dù một kế hoạch xây dựng các đảo nhân tạo trong vịnh Jakarta tạo thành một vùng đệm trên biển Java, cũng như một bức tường dài ven biển đã được phê duyệt, nhưng không gì đảm bảo rằng dự án trị giá 40 tỷ USD này - vốn đã bị trì hoãn nhiều năm - sẽ giải quyết được số phận bị nhấn chìm của thành phố.

Trước đây, một bức tường đã được xây dọc theo bờ biển quận Rasdi và các khu phố có nguy cơ cao khác. Nhưng chúng đã bị nứt và có dấu hiệu sụt lún. Nước thấm xuyên qua tường, làm ướt đẫm những con đường hẹp chằng chịt và các khu ổ chuột của thành phố.

Thời gian đã sắp hết cho Jakarta.

Anh Tuấn (Lược dịch từ AFP)