Quản lý của một doanh nghiệp dược, người sáng lập, Giám đốc Quỹ Kim Long - quỹ hỗ trợ văn hóa nghệ thuật và giáo dục là thông tin ban đầu mà tôi biết được về anh - người đàn ông ở phía đối diện khá trầm lắng nhưng có đôi mắt biết cười. Lê Hải Đức còn là một nhà sưu tập tranh có cỡ và đa phần chúng thuộc về các tác phẩm đồ họa. Đó là thông tin mà tôi thu nhận được phía sau mạch chuyện đã sôi nổi và hào hứng dần. Điều ấy không chỉ là thông điệp về căn nguyên và lý do khi ai đó đã hỏi về điều thông thường nhất - sự kết nối từ đâu và vì sao quỹ hỗ trợ của anh lại trở thành mạnh thường quân cho một hoạt động mỹ thuật không còn cũ nhưng vẫn hãy còn khá lạ lẫm trong sự tiếp nhận của công chúng. Hiện bộ sưu tập của Lê Hải Đức đã có hơn 500 tác phẩm của hơn 60 tác giả khác nhau trong lĩnh vực đồ họa với những họa sĩ thực sự có tên tuổi.

Thực ra thì nếu không được giới thiệu, không có cuộc trò chuyện trước đó, tôi cũng không thể nào biết rằng, người đàn ông thanh mảnh, với đôi mắt cận khá dày và chiếc ba lô đen bùi bụi lẫn vào những người đang xem triển lãm lại là một nhà sưu tập tranh bắt đầu có cỡ. Nhưng nói thật thì khi quan sát cách anh chú mục trên từng tác phẩm và trao đổi về những chi tiết cụ thể, tôi mới hiểu rằng, không thể nào a-ma-tơ với một cuộc chơi tưởng như ngẫu hứng mà chuyên nghiệp này, ví như những điều cơ bản về khoảng cách từ tranh đến khung, từ tên tác phẩm, chất liệu, kích cỡ đến tên tác giả phải được đặt ở vị trí nào... Đôi khi chúng ta cứ nghĩ rằng, đó là những điều nhỏ mọn, có thể tuế toái được nhưng té ra nó chính là những thuộc tính cần thiết nhất để hình thành nên chỗ đứng của tác giả và tác phẩm, trong cả một cuộc hành trình sáng tạo lâu dài.

Khi đặt lại vấn đề ấy với họa sĩ Nguyễn Thị Hải Hoà, Chủ nhiệm Bộ môn Đồ hoạ Trường đại học Nghệ thuật Huế, chị nói đó là bài học đầu tiên mà mỗi sinh viên của trường được tiếp nhận trong quá trình sáng tạo và sở dĩ có điều ấy có lẽ là vì các em chưa thật sự chú tâm, hoặc còn e dè khi “chứng thực” tác phẩm của chính mình.

Chuyện tưởng nhỏ, chỉ là chi tiết của chi tiết, té ra không chỉ thể hiện yêu cầu cơ bản và bắt buộc của một bài học nằm lòng đối với sinh viên mỹ thuật mà phần nào đó, còn thể hiện được một khía cạnh khác về sự thiếu tự tin của những người trẻ ở một vùng đất, không chỉ trong quá trình học tập và sáng tạo.

Hạnh Nhi