Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 26/8. Ảnh: AFP
Theo Reuters, sự khác biệt trong tuyên bố năm nay là dấu hiệu phản ánh sự chia rẽ giữa các nước G7.
Tuyên bố đề cập đến các vấn đề thương mại, Iran, Libya, Ukraine và Hồng Kông (Trung Quốc), trong đó nêu rõ 7 quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới đã cam kết thương mại thế giới mở và công bằng, hướng tới sự ổn định cho nền kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo của G7 cũng muốn tiến hành những thay đổi quan trọng đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để làm cho nó hiệu quả hơn trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp nhanh hơn và xóa bỏ các hoạt động thương mại không công bằng.
Trước đó, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí sẽ cung cấp 20 triệu USD viện trợ khẩn cấp về tài chính và kỹ thuật cho Brazil và các nước láng giềng để giúp đối phó với thảm hoạ cháy rừng nghiêm trọng ở Amazon.
Được biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không tham dự phiên họp về biến đổi khí hậu này nhưng theo lời Tổng thống Marcon, nhà lãnh đạo Mỹ đã đồng ý về sáng kiến tài trợ 20 triệu USD nhưng không thể tham dự vì các cuộc gặp gỡ song phương.
Cũng tại ngày họp cuối của Hội nghị G7 hôm qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mở đường cho một giải pháp ngoại giao đối với những căng thẳng giữa Mỹ và Iran về thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Cùng với các nhà lãnh đạo châu Âu, Tôngr thống Macron dẫn đầu các nỗ lực để xoa dịu căng thẳng, vì lo ngại rằng sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân có thể khiến Trung Đông bất ổn.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)