Nhưng Huế cũng có những nơi không bao giờ ngủ. Những hàng quán chợ An Cựu là thâu đêm suốt sáng. Phục vụ đủ hạng người.
Ở chợ đầu mối Phú Hậu có một đội bốc vác toàn là nữ, hình như họ làm cả đêm mỗi khi có xe chở rau từ Đà Lạt về. Hình như họ chưa bao giờ được trắng da dài tóc, nhưng họ là những người nhẫn nại nhất mà tôi được biết.
Cầu Ga hôm ấy là 3 giờ sáng. Hai bác xích lô kẹp xe bên lề ngồi câu cá. Được gần một xô nhỏ cá. Tôi tình cờ ghé xem sau khi chở người nhà lên ga Huế và khen các bác câu cá được nhiều. Các bác bảo, đã nấu cháo ăn khuya rồi đó. Thì ra hai bác đã câu từ đầu đêm khi sân ga vắng khách.
Đó là lúc 4 giờ, trước siêu thị Coop Mart trên đường Trần Hưng Đạo, có một mệ già chuyên bán bánh mì đêm. Mệ cho biết mệ bán đã hàng chục năm nay rồi, bán suốt đêm, cũng sống được. Hỏi sao mệ không bán ban ngày cho đỡ vất vả, mệ bảo ban ngày nhiều người bán quá, thức đêm cực tí nhưng bán được. Ban đầu thấy vất vả nhưng lâu dần rồi cũng quen. Bây giờ nhịp sống sinh học của mệ đã khác rất nhiều người. Ngày là đêm và đêm là ngày của mệ.
Đêm của Huế hình như cũng thay đổi nhiều qua thiên biến thời gian. Huế ngày càng thức khuya hơn và ngủ muộn hơn. Nhiều khu vực của Huế trễ nãi hơn nhưng nhiều khu vực cũng tất bật rộn ràng hơn vào buổi sáng. Không hẳn đã thay đổi một cách đột biến nhưng nhiều người đã biết tận dụng lợi thế trong một chiều thời gian của ngày. Có khi chỉ là một địa điểm nhỏ nhưng thay đổi chủ đến ba, bốn lần một ngày. Bây giờ cà phê nhiều quá, cà phê mở khắp nơi, người Huế không biết có phải thong dong hơn không hay là ít việc làm hơn, ít chịu khó hơn mà đến 9-10 giờ sáng, nhiều quán cà phê trên đường Nguyễn Huệ, trước khu tập thể Nguyễn Trường Tộ, nơi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng sáng tác ra nhạc phẩm nổi tiếng “Diễm xưa” vẫn đông nghẹt người. Cà phê cóc bây giờ khó cạnh tranh nên chị Hải tranh thủ dậy sớm bán từ lúc ba giờ, để đón những người dậy sớm, lỡ đường đợi tàu xe, hoặc những người thức quá khuya tìm một ly cà phê sớm. Đến chừng hơn năm giờ phải trả lại mặt bằng cho chị bán bánh canh. Và cứ thế, trưa chị bán bánh canh phải nhường lại chỗ cho một người khác bán “cơm bụi”. Tối là một người khác nữa tranh thủ bán bia. Chịu khó quan sát cuộc sống đang diễn ra cũng có lắm điều thú vị. Nó nhân văn đến vô cùng.
Lê Phương