Một cửa hàng bán quần áo Uniqlo tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Fast Retailing
Theo đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp thế 15% đối với 3.243 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá 125 tỷ USD, trong đó bao gồm loa thông minh, tai nghe hồng ngoại Bluetooth và nhiều loại quần áo, giày dép, đồng hồ...
Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh cũng bắt đầu áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ. Trung Quốc đồng thời áp thuế bổ sung 5% đối với dầu thô của Mỹ.
Theo tập đoàn truyền thông Nikkei, với vòng thuế quan mới Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc, các công ty Nhật Bản sở hữu dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc đang sốt sắng tìm các giải pháp mới nhằm giảm thiểu thiệt hại từ cuộc thương chiến. Một trong những phương án được xem xét hơn cả là di dời dây chuyền sản xuất tới các quốc gia Đông Nam Á và tăng giá sản phẩm.
Công ty Fast Retailing sở hữu thương hiệu quần áo Uniqlo có tiếng tại Nhật Bản phần lớn đặt các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. Sản phẩm tại các nhà máy này được phân phối cho 52 cửa hàng trên nước Mỹ. Thị trường Bắc Mỹ được cho là mang lại cho Fast Retailing 847 triệu USD doanh thu hoặc 5% tổng doanh thu của Uniqlo tính đến hết tháng 8/2018.
Cuộc chiến thuế quan trước đây chỉ ảnh hưởng đến một số ít các sản phẩm của Uniqlo như thắt lưng da. Nhưng với vòng thuế mới, các mặt hàng phổ biến như áo phông hay quần dài đang có nguy cơ đối mặt với tình trạng bị bóp nghẹt trong thương chiến.
“Các giám đốc điều hành phụ trách chi nhánh của chúng tôi tại Mỹ đã quay về Nhật Bản để thảo luận về mức độ ảnh hưởng và cách ứng phó", một giám đốc Fast Retailing cho biết.
Công ty đang xem xét chuyển một số dây chuyền sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á, song sự thay đổi này kéo theo những thách thức riêng. "Chúng tôi vẫn phải dựa vào Trung Quốc để mua vật liệu thô, vì vậy sản phẩm có thể bị tăng giá khi hàng hóa phân phối tới Mỹ", một nguồn thạo tin tiết lộ.
Trước đây, nhà máy Trung Quốc sản xuất sản phẩm cho thị trường Mỹ, trong khi các nhà máy tại Đông Nam Á sản xuất cho thị trường châu Âu. Mục tiêu tiếp theo của công ty là đổi thị trường cung ứng cho các nhà máy đến hết tháng 3/2020.
“Chúng tôi hy vọng lợi nhuận chỉ bị ảnh hưởng nhỏ”, Chủ tịch Tanimoto cho hay. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chuỗi cung ứng kéo theo một vài sự thay đổi cần thiết khác sẽ khiến công ty bước đầu phải chi thêm hàng chục triệu USD.
Tập đoàn cổ phần sản xuất đồng hồ Seiko Holdings cũng đang xem xét chuyển dây chuyền sản xuất một số mặt hàng cụ thể, chủ yếu là đồng hồ có giá dưới 500 USD, từ Trung Quốc sang Nhật Bản. Trong khi đó, công ty Citizen Watch cân nhắc di dời nhà máy sang Thái Lan.
Theo TTXVN