Dinh dưỡng nên được định vị là một trong những nền tảng của các gói sức khỏe thiết yếu. Ảnh: WHO

Tiến sĩ Naoko Yamamoto, Trợ lý Tổng giám đốc WHO cho biết, để cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng và đạt được Bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, dinh dưỡng nên được định vị là một trong những nền tảng của các gói sức khỏe thiết yếu. Chúng ta cũng cần môi trường thực phẩm tốt hơn để tất cả mọi người đều có chế độ ăn uống lành mạnh.

Ngoài việc giúp các quốc gia đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người dân và các Mục tiêu Phát triển Bền vững, việc đẩy mạnh các hành động dinh dưỡng còn có thể giúp thúc đẩy các nền kinh tế, với mỗi 1 USD được các nhà tài trợ chi trả cho các chương trình dinh dưỡng cơ bản có thể mang lại 16 USD cho nền kinh tế địa phương.

Thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ về dinh dưỡng nhưng những thách thức lớn vẫn tồn tại. Tỷ lệ thấp còi trên toàn cầu từ năm 1990 đến 2018 đã suy giảm, tỷ lệ thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 39,2% xuống 21,9% (tương đương với 252,5 triệu trẻ xuống còn 149,0 triệu trẻ), mặc dù tiến độ nàyđã chậm hơn nhiều ở châu Phi và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, tỷ lệ béo phì lại đang gia tăng. Trẻ em được coi là thừa cân tăng từ 4,8% lên 5,9% trong giai đoạn 1990-2018, tăng hơn 9 triệu trẻ em. Thừa cân và béo phì ở người trưởng thành cũng đang gia tăng ở hầu hết các khu vực và quốc gia, với 1,3 tỷ người thừa cân trong năm 2016, trong đó 650 triệu người (13% dân số thế giới) bị béo phì.

Theo khuyến nghị của WHO, cần cung cấp chất bổ sung sắt và axit folic như một phần của chăm sóc tiền sản; trì hoãn kẹp rốn để đảm bảo em bé nhận được các chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết sau khi sinh; thúc đẩy, bảo vệ và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ; tư vấn về chế độ ăn uống đúng đắn như hạn chế ăn đường ở người lớn và trẻ em, cũng như hạn chế ăn muối để giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Hướng dẫn này của WHO nhằm giải quyết sự gia tăng gánh nặng từ những người thiếu cân và thừa cân, và cung cấp cho các quốc gia một lộ trình để tích hợp các can thiệp dinh dưỡng vào các chính sách phát triển và y tế quốc gia.

Vào ngày 23/9 tới, cùng với Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu của Tổng thư ký LHQ, một cuộc họp cấp cao cũng sẽ được tổ chức với chủ đề Bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân (UHC).

Để chuẩn bị cho tuần lễ cấp cao của Đại hội đồng, WHO và các đối tác sẽ xuất bản phiên bản mới nhất của Báo cáo giám sát toàn cầu về UHC, theo cam kết năm 2015 của các nhà lãnh đạo toàn cầu để đạt được mục tiêu bao phủ sức khỏe cho tất cả người dân vào năm 2030 như một phần của các Mục tiêu phát triển bền vững.

BẢO NGHI (Lược dịch từ WHO & UN)