Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH kinh doanh chế biến Thủy sản xuất nhập khẩu Quốc Việt

Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 7 tháng năm 2019, chiếm 56,5% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Đài Loan (Trung Quốc) tăng 16,3%, Mexico tăng 14,6%, Malaysia tăng 12,3% và Nhật Bản tăng 10,4%.

Về chủng loại xuất khẩu, tôm và cá tra vẫn là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chiếm 25,70% tổng kim ngạch; tôm sú chiếm 8,15%; tôm các loại khác chiếm 3,85%; cá tra chiếm 24,05%; cá ngừ chiếm 9,12%; cá các loại khác chiếm 19,20%; mực, bạch tuộc chiếm 7,26%; nhuyễn thể hai mảnh vỏ chiếm 1,10%...

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng qua, với trị giá đạt 802,56 triệu USD, tăng 1,1%. Tiếp theo là Nhật Bản đạt 811,07 triệu USD, tăng 10,4%; thị trường Trung Quốc tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo số liệu mới nhất của Cục Nghề cá biển Mỹ (NMFS), giá trung bình của cá tra phile đông lạnh nhập khẩu trong tháng 6/2019 tại Mỹ là 3,65 USD/kg, thấp hơn 4,4% so với tháng 5 và thấp hơn 15,7% so với cùng kỳ năm 2018. Giá bình quân nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 6/2019 đạt 8,17 USD/kg, giảm 1% so với tháng trước đó và giảm 7% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR 13) về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ, theo đó, 31 doanh nghiệp của Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế 0%. Đây là điều kiện tốt cho các doanh nghiệp phát triển, tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Quan trọng là với mức thuế thấp thì sản phẩm tôm của Việt Nam mới cạnh tranh được với các nước khác.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu tôm thời gian tới, ông Hoè cho rằng, thông thường nhu cầu tiêu thụ tôm vào dịp cuối năm thường tăng mạnh do đó khả năng xuất khẩu tôm trong thời gian tới sẽ khởi sắc hơn. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nguồn tôm nguyên liệu trong nước.

Dự báo, năm 2020 xuất khẩu tôm sẽ có sự khởi sắc, nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là nguồn nguyên liệu trong nước có đáp ứng đủ hay không. Thực tế hiện nay, với chu kỳ nuôi ngắn, khi tín hiệu thị trường tốt, các doanh nghiệp, người nuôi sẽ đẩy mạnh sản xuất nuôi tôm thì mới có thể đáp ứng nhu cầu.

Trong khi đó, giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 8/2019 ước đạt 133 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 8 tháng qua đạt 1,19 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Tại thị trường trong nước, giá bán buôn cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua có xu hướng nhích nhẹ khoảng 500 đồng/kg so với tháng trước, nhưng vẫn còn rất thấp so với giá thành sản xuất của nông dân. Hiện giá cá tra nguyên liệu đang dao động ở mức 21.500 - 22.000 đồng/kg đối với cá tra loại I (800 - 900g/con), trong khi giá thu mua tại trang trại là 20.500 - 21.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, lượng bắt của các doanh nghiệp ổn định, nhu cầu chưa cao.

Giá tôm nguyên liệu trong nước tháng 8 có xu hướng nhích lên so với tháng trước đối với cả tôm sú và tôm thẻ chân trắng do cung giảm. Cụ thể, tại Bạc Liêu, giá tôm sú ướp đá cỡ 20 con/kg tăng 15.000 đồng lên 180.000 đồng/kg; cỡ 30 con/kg tăng 5.000 đồng lên 150.000 đồng/kg; cỡ 40 con tăng 3.000 đồng/kg lên 128.000 đồng/kg.

Giá tôm thẻ ướp cỡ 60 con/kg tăng 12.000 đồng lên mức 100.000 đồng/kg, cỡ 70 con/kg tăng 6.000 đồng lên 90.000 đồng/kg, cỡ 100 con/kg tăng 9.000 đồng lên 79.000 đồng/kg.

Theo TTXVN