Siêu bão “quái vật” Dorian vừa càn quét và tàn phá đảo quốc Bahamas. Ảnh: AFP

Ủy ban Thích ứng Toàn cầu lập luận rằng chi tiêu 1,8 nghìn tỷ USD cho 5 lĩnh vực chính trong thập kỷ tới không chỉ giúp giảm bớt những tác động xấu nhất của sự ấm lên toàn cầu mà qua đó tiết kiệm hơn 7 nghìn tỷ USD sau này.

Ủy ban này đề nghị Chính phủ các nước nên đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm, cơ sở hạ tầng chống chịu với khí hậu, bảo vệ rừng ngập mặn, nông nghiệp cải tiến và cải thiện nguồn nước ngọt để thu được nhiều lợi ích từ việc này.

Ví dụ, rừng ngập mặn bảo vệ, phòng chống nước dâng do các cơn bão gây ra và hỗ trợ ngành đánh bắt thủy sản phát triển, nhưng ít nhất một phần diện tích rừng này đã bị phá bỏ để phát triển du lịch hoặc nuôi trồng thủy sản.

Con số 1,8 nghìn tỷ USD mà báo cáo đề xuất không phải là ước tính về nhu cầu toàn cầu mà chỉ bao gồm các hệ thống cảnh báo và bốn lĩnh vực đã nêu. 7,1 nghìn tỷ USD là tính toán của Ngân hàng Thế giới về giá trị thiệt hại do biến đổi khí hậu đang gia tăng khoảng 1,5% mỗi năm.

Ông Ban Ki-moon nói với các nhà báo rằng nếu không có hành động nào cho đến năm 2030, “biến đổi khí hậu có thể đẩy hơn 100 triệu người ở các nước đang phát triển xuống dưới mức nghèo khổ”.

“Mọi người ở khắp nơi đang trải qua những tác động tàn phá của biến đổi khí hậu”, theo nhà sáng lập Microsoft - Bill Gates, đồng chủ trì báo cáo này cùng với Giám đốc điều hành của Ngân hàng Thế giới - bà Kristalina Georgieva.

Từ lâu, biến đổi khí hậu vốn chỉ được coi là một vấn đề ảnh hưởng đến các quốc gia nghèo và đang phát triển. Nhưng những cơn lũ và một loạt cơn bão mạnh kỷ lục gần đây ở Hoa Kỳ, cùng với những đợt nóng dữ dội ở châu Âu và Nhật Bản, đã cho thấy rằng sự giàu có không phải là một lá chắn thích hợp.

Anh Tuấn (Lược dịch từ AFP)