Khu dân cư ven biển ở Thái Lan hoang tàn sau một trận sóng thần. Ảnh: Reuters
Theo ông Rintaro Tamaki, Chủ tịch Trung tâm Tài chính Quốc tế Nhật Bản, khu vực này vẫn còn cách khá xa chính sách môi trường tổng thể trong việc giải quyết mối đe dọa của biến đổi khí hậu, bất chấp các nước châu Á phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường xuyên biên giới.
“Nhiều nước trong khu vực là các nền kinh tế mới nổi, mặc dù cũng có trường hợp ngoại lệ nhưng phần lớn các nước vẫn đang hướng đến việc tìm kiếm sự tăng trưởng trước tiên, sau đó đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, hai yếu tố này nên được tiến hành cùng lúc”, ông Tamaki nói.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, Đông Nam Á là một trong những khu vực dễ bị thiên tai nhất trên thế giới, với hơn 1.000 sự kiện thời tiết - bao gồm lũ lụt, động đất, núi lửa hoạt động, hạn hán và cháy rừng, được ghi nhận từ năm 1990 đến 2016.
Tuy nhiên, ông Gabriel Wilson-Otto, người đứng đầu Công ty Quản lý Tài sản BNP Paribas Asset Management khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết, đã có rất nhiều bước đi tích cực trên khắp khu vực trong các nỗ lực về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) nói chung. Đồng thời, khu vực cần thực hiện các bước đi để tăng cường hội nhập và xây dựng một cộng đồng tích cực làm việc theo hướng nỗ lực phát triển bền vững, ông khuyến cáo.
Trong khi đó, ông Tamaki nhấn mạnh, hợp tác liên chính phủ là cách tốt nhất để khu vực thực hiện các khuôn khổ pháp lý toàn diện, gắn kết và tiêu chuẩn hóa các chính sách môi trường.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ Theedgesingapore)