Bụi mù độc hại từ các đám cháy đã bao phủ nhiều thành phố ở Đông Nam Á trong những tuần gần đây, khiến nhiều trường học và sân bay phải đóng cửa, trong khi nhiều người dân phải đổ xô đi mua khẩu trang và tìm cách điều trị y tế cho các bệnh về đường hô hấp.

Jakarta đã triển khai hàng chục ngàn nhân viên chữa cháy và máy bay thả “bom nước” nhằm dập tắt các đám cháy do đốt rừng để dọn sạch đất cho nông nghiệp. Cháy rừng là vấn đề hàng năm của Indonesia, nhưng đây là năm tồi tệ nhất kể từ năm 2015 do thời tiết khô hạn.

Lính cứu hỏa Indonesia vật lộn với đám cháy rừng ở Indonesia. Ảnh: AFP/Thanhnien 

Theo UNICEF, hiện có khoảng gần 10 triệu người dưới 18 tuổi, trong đó có khoảng 2,5 triệu trẻ dưới 5 tuổi, đang sống ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các đám cháy rừng trên đảo Sumatra và Borneo của Indonesia.

Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm do hệ thống miễn dịch chưa phát triển. Trong khi đó, đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ phải chịu ô nhiễm khi mang thai có thể nhẹ cân khi sinh và có nguy cơ bị sinh non.

"Chất lượng không khí kém là một thách thức nghiêm trọng và ngày càng tăng đối với Indonesia," ông Debora Comini, một quan chức UNICEF cảnh báo, nhấn mạnh rằng "mỗi năm, hàng triệu trẻ em đang hít phải không khí độc hại đe dọa đến sức khỏe của chúng và khiến chúng phải nghỉ học, dẫn đến những thiệt hại về thể chất và nhận thức suốt đời".

Đứa trẻ thở bằng mặt nạ oxy của một tình nguyện viên Chữ thập đỏ tại một ngôi làng ở Jambi ngày 24/9/2019. Ảnh: AFP/ Thanhnien

Hàng ngàn trường học đã bị đóng cửa trên khắp Indonesia do chất lượng không khí kém, khiến hàng triệu thanh thiếu niên phải nghỉ học.

Không chỉ ở Indonesia, nhiều trường học trên khắp Malaysia cũng đã buộc phải đóng cửa vào tuần trước vì khói mù dày đặc lan từ nước láng giềng bao phủ bầu trời, trong khi Singapore cũng chìm trong khói mù khi giải đua xe Công thức Một sẽ diễn ra vào cuối tuần này.

BẢO NGHI (Lược dịch từ CNA)