Xe đẩy tự chế giúp đưa mắm vào bồn chứa lớn
Ngon như nhà làm
Vừa trò chuyện với chúng tôi, thầy Phúc vừa luôn tay bán hàng cho khách. Mối sỉ chở từng bao tải lớn, mối lẻ mua dăm ba bịch biếu người quen. Xưởng mắm tất bật, sau 7 giờ tối vẫn còn người tìm đến.
Không phải nghề truyền thống của gia đình, nhưng cũng như bao người phụ nữ tảo tần khác, bà Em (mẹ thầy Phúc) làm mắm rất ngon. Ban đầu chỉ dành để ăn, đãi khách phương xa. Về sau, từ những lời khen nức nở của người ăn, thầy giáo 8X nhận ra một hướng làm kinh tế mới. "Ngành nghề nào cũng lắm thăng trầm, mắm cũng không ngoại lệ. Năm 2010, khởi nguồn từ xưởng mắm chỉ là đôi quang gánh. Sau đó, diện tích nhà xưởng ngày càng mở rộng”, thầy Phúc cho hay.
Từ năm 2010 đến năm 2016 là thời gian mắm mệ Em khẳng định chất lượng. Hầu như toàn bộ số tiền bán mắm đều được dành để xoay vòng, kiên cố hóa nhà xưởng. Đến tháng 9/2019, tổng diện tích nhà xưởng đã xấp xỉ 500m2.
Đa dạng chủng loại, không chỉ mắm nêm, mắm rò, xưởng còn làm mắm dưa đu đủ, dưa gang đến nước mắm, ruốc. Dù bận rộn với công việc giảng dạy, từ một người chỉ biết thưởng thức mắm, thầy giáo Lê Hạnh Phúc đã trở thành một thợ làm mắm thực thụ. Tất cả các công đoạn được thao tác với đôi tay thành thạo.
“Chăm sóc “bé” mắm là công việc của mình”, thầy giáo trẻ nói đùa. Đùa nhưng thật vì hằng ngày, anh phải thăm mắm, xem xét lượng nước. Khi thời tiết thay đổi thất thường, nước nổi phải múc bớt, lúc nước cạn thì chêm vào. Hết chăm lại đến tắm, nhất là vào mùa nắng nóng. Những thùng mắm được tắm để tránh dịch muối đọng ở vỏ thùng, hạn chế vi khuẩn sinh sôi nảy nở.
Hiện tại, xưởng mắm mệ Em mỗi ngày cung ứng ra thị trường từ 2 – 3 tạ thành phẩm. Xưởng mắm có đại lý tại Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Với giá thành trung bình 30 – 35 nghìn đồng/kg, hàng năm xưởng mắm cho lãi hơn 250 triệu đồng. Xưởng giải quyết việc làm cho 3 lao động thường xuyên và 8 lao động thời vụ. Họ đều là các chị em nhàn rỗi ở địa phương.
“Nhà sáng chế” vì mắm
Cơ sở sản xuất và chế biến mắm mệ Em đã đạt giải nhì sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện năm 2019. Bản thân thầy Phúc cũng là gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi được Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc tặng giấy khen. |
Với nguyên liệu chính là cá, muối, tưởng đơn giản nhưng việc làm mắm rất công phu. Để tận dụng tối đa diện tích, thầy Phúc thay thế một phần thẩu nhựa bằng thùng nhựa và bồn chứa lớn. Dung tích bồn chứa (để làm nước mắm) lên đến 5.000 lít.
Từ kiến thức vật lý (là bộ môn thầy Phúc giảng dạy) cộng với sự sáng tạo, thầy giáo 8X đã chế ra xe đẩy tự động. Với khung sắt, khay tôn và hệ thống máy đơn giản, cá sẽ được di chuyển lên nắp thùng và tự động đổ vào bồn chứa.
“Xem trên tivi, mình thấy những người thợ lực lưỡng, sức vóc cho cá vào thùng. Thấy quá mất thời gian, vất vả, mình mua, tìm nguyên liệu và tự chế ra chiếc xe này. Chỉ cần cho cá lên xe, ấn nút, tất cả việc còn lại xe đẩy sẽ tự lo”, thấy Phúc nói.
Ngoài xe đẩy tự chế, thầy giáo trẻ còn tạo ra loại xe đẩy chuyên dụng đặc biệt. Đây là phương tiện được thiết kế riêng để nâng, giữ cố định và di chuyển những thùng mắm nặng 120kg.
Từng thùng mắm nặng hơn mỗi tạ được khéo léo di chuyển. Cách di chuyển này lại tránh vấp đổ, đảm bảo vệ sinh trong xưởng, thật sự rất sáng tạo và hữu ích. Nhà xưởng còn có sự xuất hiện của xe đẩy riêng, quạt chống ruồi, máy xay mắm nêm được cải tiến... Tất cả đều là sản phẩm của thầy giáo trẻ đam mê nghề mắm.
Bài, ảnh: Mai Huế