“Đôi khi em vẫn thấy người ta giao “hàng” cho nhau bằng cách giả vờ đánh rơi chúng xuống đất cho người kia tới nhặt. Có hôm còn nghe một gã chửi thề qua điện thoại ở cuối hẻm, vẻ như người bên kia đầu dây không cho mua nợ nữa. Lúc đó em cũng thấy sợ vì giọng của người khát thuốc. Nghe chừng họ có thể làm bất cứ điều gì nếu có ai đó nhìn qua hay tỏ thái độ gì…”. Ông ờ, rồi bảo người nghiện nhìn là biết ngay thôi. Những lúc như rứa cứ làm lơ đi, chớ người như tui còn tránh, huống chi đàn bà con nít. Lúc lên cơn người ta dễ manh động lắm.

Tôi nói những điều đó lúc ông ghé qua nhà uống trà, như một cách chia sẻ chuyện hàng xóm láng giềng. Có những nỗi lo nhiều khi không biết nói cùng ai, và không biết nó có rơi vào đầu mình vì một cơn cớ nào đó không. Vui chuyện, tôi nói người con của ông hay ghê khi tôi thấy thường xuyên xách túi đi tập gym. Chỉ điều đó thôi đã thấy khác với những người đàn ông khác. Ông đã cười thật hiền, nhưng câu chuyện sau đó mới làm tôi nghĩ khác về gia đình hàng xóm của mình.

“Ngày trước hắn cũng như mấy đứa cô hay thấy ở cuối hẻm – ông nói – Thiệt ra là hắn đi trầm ở bên Lào, rồi vướng phải ba cái thứ đó. Tui nhìn con lúc hắn về thăm nhà mà hãi. Rứa là cha con ngồi nói chuyện với nhau mấy ngày. Dọa nạt khuyên răn đủ cả. Cuối cùng hắn nghe theo, bỏ đi làm trầm. Mà không phải dễ đâu cô à. Hắn nhờ tui khóa chân vào cột nhà và chiến đấu hàng tháng trời. Lúc nớ nhiều khi nhìn con mà tui nuốt nước mắt. Để đồng hành với hắn, tui cũng bỏ rượu bia. Cứ bầm ruột bầm gan rứa mà cả hai cha con đều thắng đó cô. Cai được, hắn có da có thịt hơn và bắt đầu học nghề của cha mạ. Vài năm sau hắn lấy vợ, sắm đồ nghề, dụng cụ rồi ra riêng. Chừ hắn là đứa mà tui ít phải lo nhất…”.

“Giờ cha con tui cũng không rượu, mà cũng chẳng bia. Thi thoảng nhà có việc, mạ hắn và mấy anh chị em cũng kêu bia về uống, cũng hò dô dữ lắm nhưng cha con tui cũng chỉ ngồi ngó và cười với nhau thôi. Mình có lạ chi ba cái đồ nớ mô, chỉ nói không, là không thôi…”.

Tôi nhìn ông, người mà trước đó, cũng chỉ thấy bình thường như những người hàng xóm khác. Có những điều mà khi biết sâu thêm đôi chút về họ, ta mới thấy ý nghĩa của sự từ bỏ và trở lại với một cuộc sống khác hơn, tốt hơn. Ở người hàng xóm này, còn là việc vượt lên chính bản thân mình. Hơn cả là tấm lòng của người cha khi luôn ở bên và đồng hành cùng con. Đó cũng là ý nghĩa lớn lao nhất của việc từ bỏ những tháng ngày cũ.

Hà Chi