Tuy nhiên, trong quá trình thi hành các Luật đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc lớn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay. 

Thanh Hóa xử lý, khắc phục sự cố các công trình đê điều do thiên tai gây ra. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đây cũng sẽ là những vấn đề sẽ được Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều trong phiên họp đầu tuần ngày 11/11. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung gồm 3 điều, trong đó: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số Điều Luật Phòng, chống thiên tai. Điều này gồm 23 khoản, sửa đổi, bổ sung tại 19 Điều, bổ sung 3 Điều và sửa tên Chương IV của Luật Phòng, chống thiên tai; Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đê điều. Điều này gồm 8 khoản, trong đó sửa đổi, bổ sung tại 8 Điều của Luật Đê điều; Điều 3 quy định về Điều khoản thi hành.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà, Ủy ban cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều. Đồng thời, nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật lần này không chỉ tháo gỡ bất cập phát sinh trong thực thực tiễn thi hành luật mà còn góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước và sự tham gia của khu vực tư nhân trong phòng chống thiên tai; tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của các chính phủ, cộng đồng quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam và thực hiện tốt cam kết, thỏa thuận quốc tế.

Về phạm vi sửa đổi, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều được xây dựng trên cơ sở bóc tách các nội dung về quy hoạch của Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều về quy hoạch của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Thủy lợi, Luật Đê điều cho phù hợp với Luật Quy hoạch và bổ sung sửa đổi thêm một số nội dung cần thiết khác nên việc chỉ sửa đổi, bổ sung tại 23 khoản tại 19/47 Điều của Luật Phòng chống thiên tai và 8/48 điều của Luật Đê điều là phù hợp với yêu cầu về thời gian và phạm vi của Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều.

Tuy nhiên, có một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu phòng chống thiên tai và quản lý đê điều như: Huy động đầu nguồn lực tài chính của xã hội cho công tác phòng chống thiên tai và quản lý đê điều. Cơ chế khai thác, sử dụng đầu tư xây dựng công trình đê điều, công trình phòng chống thiên tai cho phát triển kinh tế - xã hội. Kiện toàn, nâng cao năng lực tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; vấn đề đẩy mạnh giải pháp khoa học và công nghệ trong phòng chống thiên tai để tạo sự chủ động trong phòng chống thiên tai và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực cho phòng chống thiên tai.

Các đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung loại hình thiên tai như “giông”, “lũ ống”, “cháy rừng”; một số loại thiên tai do tác động của con người như chặt phá rừng đầu nguồn gây lũ quét, khai thác cát quá mức gây sạt lở bờ sông, khai thác nước ngầm, xây dựng công trình gây sụt lún đất…

Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng cho rằng, tại khoản 4 Điều 8 Luật Phòng chống thiên tai, để có thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho công tác phòng chống thiên tai, Ban soạn thảo cần có điều khoản quy định cụ thể hơn về nguồn tài chính này (như từ nguồn đầu tư của tổ chức, các nhân; từ việc khai thác, sử dụng các công trình phòng chống thiên tai do nhà nước đầu tư, từ hợp tác công tư…); quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư cũng như chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này để huy động nguồn lực của xã hội cho công tác phòng chống thiên tai.

Khi Luật Phòng, chống thiên tai ghi nhận các hình thức đầu tư, bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư thì sẽ tạo động lực để thu hút ngày càng nhiều hơn sự tham gia khu vực ngoài nhà nước cho phòng chống thiên tai, giảm áp lực đầu tư cho phòng chống thiên tai từ ngân sách nhà nước.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lê Công Nhường đề nghị cân nhắc định nghĩa lại về khái niệm “thiên tai”. Đồng thời đề xuất, đổi tên Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, thích ứng thiên tai cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đối với "Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương", đây là quy định thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Tán thành việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Vũ Thị Thủy cho rằng, việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương sẽ giúp tăng cường thêm nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn lực quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam và điều phối nguồn lực giữa các Quỹ trong nước.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Thị Thủy cũng đề nghị cần làm rõ nguồn thu của Quỹ; cơ chế sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương để không trùng lặp, chồng chéo với nguồn tài trợ, hỗ trợ theo Luật Ngân sách nhà nước. Việc điều chuyển giữa quỹ Trung ương và quỹ địa phương, giữa các quỹ địa phương để bảo đảm quyền lợi của các Quỹ Phòng, chống thiên tai địa phương.

Cho ý kiến về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình hoạt động nạo vết luồng lạch trong phạm vi bảo vệ đê điều cần phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tăng cường công tác quản lý nhà nước ở trung ương. 

Một số ý kiến cũng đề nghị cần đánh giá việc xây dựng công trình ở "bãi nổi", "cù lao" có ảnh hưởng đến an toàn đê điều hay không để quy định loại trừ như tại khoản 5 Điều 7 Luật Đê điều.

Cần làm rõ "các hoạt động khác gây cản trở dòng chảy và thoát lũ nhưng không có biện pháp xử lý khắc phục" quy định tại khoản 10 Điều 7 Luật Đê điều. Ngoài ra, nhiều đại biểu còn góp ý cho các quy đinh: Về thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai cho phù hợp với đối tượng dễ bị tổn thương. Về phân định rõ trách nhiệm giữa Ban chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai với trách nhiệm Ủy ban quốc gia về tìm kiếm cứu nạn để tránh chồng chéo trong thực thị nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn.

Theo Báo Tin tức