AEC ra đời giúp các nước ASEAN ngày càng hội nhập sâu rộng hơn. Ảnh minh hoạ: Tapchitaichinh

Báo cáo hội nhập ASEAN năm 2019 cho thấy, mặc dù những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu ngày càng tăng, nhưng thành tựu kinh tế chung của khối vẫn đầy hứa hẹn, với thương mại khu vực có tổng trị giá 2.800 tỷ USD năm 2018, tăng 23,9% so với con số 2,3 nghìn tỷ USD của năm 2015.

Đáng chú ý, ASEAN đã thu hút 154,7 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm ngoái - mức cao nhất trong lịch sử và tăng 30,4% từ con số 118,7 tỷ USD hồi năm 2015.

Sự hội nhập kinh tế của ASEAN tiếp tục củng cố vị trí mới nổi của khu vực với tư cách là động lực tăng trưởng toàn cầu, trong đó hoạt động nội khối ASEAN chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thương mại và FDI của ASEAN năm 2018 với tỷ lệ lần lượt là 23% và 15,9%.

Theo nhận định của các nhà phân tích, kinh tế ASEAN ngày càng hội nhập sau sự ra đời của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015. Về cơ bản, AEC là sự hội nhập kinh tế của 10 thành viên ASEAN, được hướng dẫn bởi Kế hoạch chi tiết AEC 2025, đưa ra những định hướng sâu rộng thông qua các biện pháp chiến lược trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2025.

“Điều quan trọng là chúng ta cần biết vị trí mình đang ở đâu sau 4 năm thực hiện kế hoạch chi tiết. Giữa bối cảnh có nhiều biến động đáng kể trong nền kinh tế chính trị toàn cầu mà ASEAN là một phần trong đó, chúng ta cần nhìn lại những gì đã đạt được, song song với việc xác định những điều cần làm để hướng tới mục tiêu 2025”, bà Julia Tijaja, Giám đốc bộ phận giám sát hội nhập ASEAN cho biết.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ The Jakarta Post)