Áo dài là sản phẩm chủ lực của TP. Huế cần được hỗ trợ. Ảnh: VÕ NHÂN

Không phải đến năm 2019, khi chính thức có tên trong Danh mục các sản phẩm chủ lực tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019-2020, Áo dài Huế mới được thúc đẩy phát triển bằng các giải pháp hỗ trợ. Trước đó, từ nguồn vốn khuyến công của địa phương, nhiều cơ sở thiết kế, may đo áo dài trên địa bàn thành phố Huế đã được hỗ trợ máy móc sản xuất và mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề…

Trợ lực cho các sản phẩm chủ lực, Thừa Thiên Huế tiếp tục huy động và lồng ghép các nguồn lực để phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực địa phương. Việc xây dựng thương hiệu Áo dài Huế cũng được xác định là một chiến lược xứng tầm, có sức lan toả và có khả năng phát triển mạnh mẽ.

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, về nguyên tắc thì mọi công dân trong cộng đồng Thừa Thiên Huế đều có quyền đồng sở hữu khai thác khách, đóng góp và bảo vệ thương hiệu Áo dài Huế. Tuy vậy, một thể nhân khác bên ngoài phạm vi Thừa Thiên Huế có thể khai thác thương hiệu và thương mại sản phẩm này. Điều đó cho thấy sự phức tạp trong pháp lý nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu đặc sản địa lý của một sản phẩm. Do đó, trong chiến lược xây dựng thương hiệu Áo dài Huế phải chuẩn bị những vấn đề pháp lý cần thiết để xây dựng thương hiệu mang tính đặc thù, bảo vệ thương hiệu theo chuẩn mực và khai thác thương hiệu bền vững.

Những năm qua, TP. Huế quan tâm và chú trọng việc xây dựng thương hiệu tập thể, thương hiệu chứng nhận, thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho nhiều sản phẩm đặc sản, nhóm nghề và ngành nghề truyền thống của địa phương. Với Áo dài Huế, chuyên gia Võ Văn Quang tham vấn giải pháp chiến lược marketing thương hiệu theo cơ cấu mô hình Marketing 7P.

7P dựa trên các tiêu chí: P1. Sản phẩm, từ lý đến cảm tính, thẩm mỹ nghệ thuật; P2. Giá trị & giá cả; P3. Phân phối, bán lẻ, nhượng quyền; P4. Xây dựng và quảng bá thương hiệu và chiến lược truyền thông; P5. Phát triển nguồn nhân lực marketing quản trị; P6. Phát triển quy trình quản trị chất lượng và mô hình kinh doanh; P7. Sứ mệnh thương hiệu và văn hóa thương hiệu Áo Dài Huế.

Trong đó, tiêu chí về sản phẩm được chuyên gia gợi ý cần xây dựng các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, nhận diện đầy đủ các yếu tố tạo thành chất lượng và giá trị của Áo dài Huế, từ nguyên liệu đến tay nghề của các nhà thiết kế. Đồng thời, hưởng ứng mô hình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), sáng tạo ra từ sản phẩm cấu thành và gắn kết vào chuỗi giá trị chung Áo Dài Huế.

“Nón lá nón bài thơ, túi xách cao cấp bằng mây tre đan, zèng và chất liệu tự nhiên… là những sản phẩm chúng ta có thể vận dụng và kết hợp một cách chỉn chu với Áo dài Huế. Đó cũng là cách chúng ta hưởng ứng và thúc đẩy mô hình OCOP với những cơ chế hỗ trợ về thương hiệu và phát triển thị trường. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra hiệu quả phát triển rộng khắp cho kinh tế địa phương”, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang gợi ý.

Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, hiện TP đang kêu gọi đầu tư điểm trình diễn áo dài Huế gắn với trải nghiệm nghề may áo dài hoặc trung tâm dịch vụ sản xuất kinh doanh áo dài Huế đạt chuẩn, đồng thời hỗ trợ thực hiện dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể áo dài Huế với mục đích nâng tầm thương hiệu áo dài Huế.

ĐỒNG VĂN