Kết quả

Hiện nay, Trường trung cấp TDTT Huế đào tạo 220 vận động viên năng khiếu của 9 đội tuyển thể thao thành tích cao (điền kinh, cờ, karate, taekwondo, judo, bắn cung, vật, cầu lông và đá cầu) và giảng dạy cho 100  học sinh học hệ trung cấp.

Do được tuyển chọn kỹ, đào tạo bài bản, chế độ ăn uống đảm bảo chất dinh dưỡng nên hầu hết các vận động viên của trường đều đạt trạng thái sung sức thể thao cao nhất, đặc biệt khi vào các giải thi đấu, các vận động viên đều thể hiện quyết tâm vì màu cờ sắc áo của trường, của địa phương và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2018, các vận động viên đã thi đấu và đã đạt được 327 huy chương các loại; trong đó, có 294 huy chương trong nước (77 HCV, 79 HCB, 138 HCĐ), huy chương quốc tế: 33 huy chương (17 HCV, 9 HCB, 7 HCĐ) tăng 11 huy chương so với năm 2017.

Đặc biệt, có nhiều vận động viên đạt giải cao trong các kỳ thi đấu của khu vực, như: Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, đạt HCĐ bộ môn vật tại giải ASIAD 2018 ở Indonesia, Võ Nguyễn Quỳnh Như đạt HCB giải trẻ cờ tướng thế giới; Hà Phương Hoàng Mai, Lê Thái Nga, Nguyễn Hà Khánh Linh đã giành 4 HCV tại giải cờ vua trẻ châu Á ở Thái Lan; Hồ Thị Hạ, đạt HCĐ giải trẻ châu Á tại Nhật, HCV giải vô địch Đông Nam Á bộ môn karate; Phạm Văn Có, Nguyễn Văn Quảng, Lê Thị Ái Hoa, Nguyễn Văn Trọng môn Vật đạt 6 HCV tại giải vô địch Đông Nam Á ở Philippines; Nguyễn Thị Mỹ Trang, Nguyễn Thị Mỹ Linh đạt 02 HCV giải vô địch vật trẻ Đông Nam Á… Trường đóng góp cho đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia trên 20 VĐV các môn và cử nhiều đoàn VĐV đại diện cho tỉnh tham gia thi đấu tại các giải khu vực, quốc gia và quốc tế.

Ông Hồ Đắc Quang, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Việc đào tạo vận động viên năng khiếu là thế mạnh của nhà trường, nên chúng tôi tập trung đầu tư và có những kết quả đáng tự hào. Hiện nay, ngoài việc đào tạo vận động viên, xây dựng các đội tuyển thể thao đại diện cho tỉnh tham gia thi đấu trong nước và quốc tế, trong những năm qua, trường còn tổ chức đào tạo đội ngũ có trình độ trung cấp làm công tác TDTT cho các cơ sở trên địa bàn tỉnh và khu vực miền Trung...".

Cần đầu tư lớn hơn

Theo báo cáo của trường, hiện nay, chỉ tiêu đào tạo vận động viên giao cho trường còn ít, hơn nữa, còn có quá ít bộ môn đào tạo, điều này đã hạn chế trong việc mở rộng đội ngũ vận động viên năng khiếu cũng như tham gia vào các giải thi đấu lớn. Mong muốn của trường là làm sao tỉnh tăng chỉ tiêu đào tạo vận động viên năng khiếu theo lộ trình từ 10 - 15% vận động viên/năm; đầu tư phát triển thêm từ 3 - 4 môn thể thao trong hệ thống olympic có khả năng cạnh tranh huy chương cao trên toàn quốc.

Một khó khăn nữa là không có nguồn kinh phí để làm công tác đào tạo nghiệp dư, xây dựng câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường cũng ngày càng xuống cấp. Trường đã nhiều lần đề xuất tỉnh cấp kinh phí để trang cấp bộ thảm để phục vụ tập luyện cho bộ môn vật. Đây là bộ môn mà tỉnh có lợi thế, song đến nay, vẫn chưa có. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyển chọn vận động viên, ảnh hưởng đến việc tập luyện và thi đấu.

Trường trung cấp TDTT là trường đặc thù, nơi đào tạo, tuyển chọn, bồi dưỡng lực lượng vận động viên năng khiếu, giúp tỉnh tạo nguồn nhằm đóng góp vào các giải thể thao thành tích cao của tỉnh. Để trường hoạt động ngày một mạnh hơn, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trong các giải thi đấu thể thao cấp quốc gia, quốc tế, nhất thiết tỉnh cần phải có một cơ chế chính sách đủ mạnh, dành một nguồn kinh phí thỏa đáng để đầu tư cho trường.

Hoàng Trọng Bửu