Ở Thừa Thiên Huế, vùng đất có nhiều tên gọi khác nhau là chuyện bình thường trong quá trình phát triển của lịch sử. Thế nhưng, có một điều vô cùng đặc biệt, đó là sự xuất hiện tên gọi mới sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công và cùng với cả nước, Thừa Thiên Huế trải qua những tháng ngày oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi sau đó là chống Mỹ cứu nước. Như ở xã Lộc Điền (Phú Lộc), sau cách mạng Tháng Tám 1945 là xã Đại Phố và Đại Định. Hãy nghe một cách giải thích hay, giai đoạn 1945-1946, các xã ở Phú Lộc thường gắn liền với từ “Đại”. Cùng với Đại Phố và Đại Định, có thể kể thêm, như Đại Hiền (Vinh Hiền), Đại Lợi (Vinh Mỹ), Đại Thành (Lộc An), Đại Đồng (Vinh Giang)…Gắn liền tên xã với từ “Đại” là muốn nói lên thành công vĩ đại và lớn lao của nhân dân ta trong tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945. Vậy là cũng đã rõ và đã hiểu, cũng như cha mẹ đặt tên cho con, đó là sự gửi gắm tình cảm và khát vọng vươn xa và vươn cao của cả một thời đại.

Cũng là tên gọi của một thời, nhưng lại gắn liền với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng là cách đặt tên xã mới ở Quảng Điền vào giữa năm 1949. Để thuận lợi trong lãnh đạo và quản lý, thực hiện chủ trương của Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh về việc hợp nhất một số xã, hình thành xã có quy mô lớn hơn, huyện Quảng Điền bấy giờ từ 12 xã đã được tổ chức lại thành 7 xã. Tên gọi mới lần lượt là Quảng Đại (Quảng An và Quảng Thành trước đó), Quảng Ninh (gồm Quảng Đức và Quảng Phước), Quảng Hòa (Quảng Vinh và Quảng Lợi), Quảng Thuận (gồm Quảng Xuân và Quảng Thắng), Quảng Hưng (gồm Quảng Sĩ và một phần Quảng Tín), Quảng Thái (gồm Quảng Giang, một phần Quảng Tín và một số thôn thuộc Quảng Hưng), Quảng Ngạn (gồm Quảng Ngạn và Quảng Công). Những tên gọi mới kia, một số còn lại cho đến hôm nay, nhưng cũng có một số lại tiếp thay đổi để trở thành lịch sử của một thời đã qua.  

Mới đây, tình cờ tôi có dịp tiếp cận cuốn sách của một tác giả người Mỹ là James W.Trullinger, từng có thời gian là lính Mỹ thuộc sư đoàn 101 Hoa Kỳ. Cuốn sách viết về xã Thủy Phương dưới cái tên gọi Mỹ Thủy. Theo cách suy luận của James W.Trullinger, thì “Mỹ Thủy” được hiểu với nghĩa là một “dòng nước đẹp”. Còn nhiều vấn đề cần tranh luận và làm sáng tỏ về một số vấn đề đặt ra trong cuốn sách. Tuy nhiên, có thể cảm nhận từ nội dung cuốn sách là sự kinh ngạc và cả thán phục nữa về sự quật cường của người dân Mỹ Thủy trong cuộc chiến chống xâm lăng. Cũng thế, người Thủy Phương hôm nay rất tự hào về tên gọi Mỹ Thủy. Nó gắn liền với những năm tháng kháng chiến hào hùng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Thủy Phương quê tôi, bao thế hệ rồi vẫn rất tự hào là vùng đất “Mỹ Thủy anh hùng”.

Thỉnh thoảng trong sách vở hay trong câu chuyện của ai đó, những cái tên như Đại Phố, Đại Định, Quảng Hòa hay Mỹ Thủy được nhắc đến. Nó mang đến cho lớp trẻ sự khó hiểu nhưng lại tò mò mong muốn tìm hiểu. Còn với những thế hệ lớn tuổi ở Thừa Thiên Huế, đó lại là sự bồi hồi như sống lại với bao ký ức đẹp. Đó là tên gọi một thời ở Huế, gắn liền với những năm tháng tranh đấu hào hùng và anh dũng, cần được ghi lại, lưu truyền và trân trọng giữ gìn.

Đan Duy