Các cháu ở Trường mầm non A Ngo (A lưới) tham gia các hoạt động trải nghiệm
Trong cái lạnh của những ngày cuối năm, sân trường Trường mầm non Thượng Lộ (huyện Nam Đông) rộn ràng niềm vui. Toàn trường huy động được 135 trẻ đến lớp, đa số trẻ em là người dân tộc Cơ Tu. Không còn cảnh những bà mẹ trẻ địu con rong ruổi ngoài nương rẫy. Các em đã được đến trường và có thể nói những câu tiếng Việt giản đơn.
Theo cô giáo Võ Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường mầm non Thượng Lộ (Nam Đông), để dạy tốt tiếng Việt cho trẻ, giáo viên phải biết sử dụng tiếng Việt và tiếng dân tộc. Cách dạy trẻ tiếp cận tiếng Việt nhanh nhất là thông qua các trò chơi, các buổi sinh hoạt lồng ghép với những lễ hội dân tộc để tăng cường giao tiếp bằng tiếng Việt.
Khó nhất là việc giúp trẻ phân biệt các dấu, thanh bởi phương ngữ dân tộc đã ăn sâu từ thuở lọt lòng. Ở nhà các cháu vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ vì có nhiều phụ huynh không rành tiếng Việt. Thế nên, những năm gần đây, giáo viên và bộ đội biên phòng đã đến từng gia đình dạy tiếng Việt cho cha mẹ các em là người dân tộc thiểu số.
Đa số các trường đã có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt, tích cực làm đồ dùng đồ chơi tại lớp. Các cô giáo cung cấp vốn từ tiếng Việt cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi, tạo mọi cơ hội cho các em thường xuyên được nói tiếng Việt.
Một trong những cách dạy sáng tạo của các giáo viên mầm non là bất cứ vật dụng, đồ chơi, đồ dùng học tập nào cũng gắn dòng chữ “song ngữ” tiếng Việt và tiếng dân tộc cho trẻ tiện nắm bắt. Các góc hoạt động, đồ chơi, đồ dùng, tranh ảnh, sản phẩm của trẻ đều được sắp xếp sinh động, dán nhãn tiếng Việt. Ngoài ra các đơn vị còn sử dụng loa đài để chuyển tải những mẫu chuyện, bài hát vào những buổi đón trả trẻ giúp trẻ học tiếng Việt tốt hơn.
Ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 217 lớp ở 31 trường mầm non có trẻ dân tộc thiểu số. Trong vòng hai năm, với tổng kinh phí được đầu tư trên 29,5 tỷ đồng, các địa phương đã xây mới 40 phòng học, bếp ăn. 100% trẻ em ở các huyện miền núi được học bán trú tại trường. Đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa khi có trên 340 người được bồi dưỡng tiếng dân tộc tại địa phương.
Từ việc làm tốt môi trường tiếng Việt cho trẻ trong lớp mầm non có trẻ dân tộc thiểu số, vốn tiếng Việt của các em được phát triển, trẻ mạnh dạn tự tin khi tham gia vào các hoạt động. Trong vòng một năm, các cháu mẫu giáo 5 tuổi có khả năng học được từ 300 - 500 từ tiếng Việt. Từ đó, các bậc phụ huynh tin tưởng, tự giác đưa con đến trường và quan tâm ủng hộ tích cực các phong trào của các trường mầm non ở vùng dân tộc thiểu số.
Bài, ảnh: Phước Ly