Được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2010 nhưng Lễ hội Aalst vừa chính thức bị UNESCO rút khỏi danh sách này. Ảnh: TTXVN

Lễ hội Aalst đã bị rút khỏi danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO trong một cuộc họp vào ngày thứ Sáu tại thủ đô Bogata của Colombia. Cơ quan này đưa ra quyết định rằng cuộc diễu hành, bao gồm một chiếc xe diễu hành có hình biếm họa của những người Do Thái chính thống với chiếc mũi có móc và ngồi trên những túi đựng tiền, là hành động chống lại người Do Thái.

“Họ có thể tiếp tục tổ chức lễ hội. Chúng tôi không phản đối điều đó”, ông Ernesto Ottone, trợ lý Tổng Giám đốc UNESCO phụ trách về văn hóa nói. “Điều chúng tôi không muốn là danh tiếng của UNESCO trong một lễ hội mà đối với một số người có thể là hài hước, nhưng đối với chúng tôi là cả một sự chế giễu đối với một số cộng đồng”.

Ông Ottone cũng xác nhận rằng các quan chức thị trấn đã được cảnh báo trong một số trường hợp về biểu tượng chống người Do Thái trong các lễ hội hóa trang trước đó nhưng không thực hiện các biện pháp “phân định” về loại hình trình diễn nào được chấp nhận.

Các nhóm người Do Thái cho rằng các xe diễu hành là chống lại người Do Thái và Liên minh châu Âu cũng lên án cuộc diễu hành này, nói rằng nó gợi nhớ đến loại tranh biếm họa phổ biến ở thời Đức Quốc xã trong những năm 1930.

Lễ hội Aalst thường diễn ra trước thứ Tư Lễ Tro ở một thị trấn phía bắc của nước Bỉ. Thị trưởng của thị trấn ông Christoph D'Haese cho rằng lễ rước chỉ mang tính hài hước. “Chúng tôi không chống người Do Thái cũng không phân biệt chủng tộc. Aalst sẽ luôn là thủ đô của sự chế giễu và châm biếm”, ông nói trong một tuyên bố của hãng tin Belga.

Anh Tuấn (Lược dịch từ DW)