Số nam giới hút thuốc và sử dụng thuốc lá đang lần đầu tiên ngừng gia tăng. Ảnh minh hoạ: Indian Express/VOV
Theo WHO, sự thay đổi trong xu hướng hút thuốc toàn cầu cho thấy những nỗ lực của các chính phủ trong việc kiểm soát thuốc lá đang phát huy tác dụng trong việc "cứu sống, bảo vệ sức khỏe con người và đánh bại thuốc lá".
"Trong nhiều năm nay, chúng ta đã chứng kiến số lượng nam giới sử dụng các sản phẩm thuốc lá tăng lên đều đặn. Nhưng giờ đây, lần đầu tiên, tỷ lệ nam giới sử dụng thuốc lá đã chừng lại, do các chính phủ thắt chặt các điều luật nghiêm ngặt hơn trong ngành công nghiệp thuốc lá", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh trong một tuyên bố. Theo đó, WHO cũng cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước để duy trì xu hướng giảm này.
Hút thuốc gây ung thư phổi và các bệnh về đường hô hấp khác, đồng thời cũng là yếu tố nguy cơ chính của các bệnh tim mạch như đột quỵ và bệnh tim, ung thư miệng, vòm họng và các loại ung thư khác.
Theo dữ liệu của WHO, mỗi năm có hơn 8 triệu người chết vì sử dụng thuốc lá. Hơn 7 triệu ca tử vong là do sử dụng thuốc lá trực tiếp trong khi khoảng 1,2 triệu người còn lại là những người hút thuốc thụ động, hít phải khói thuốc lá.
Năm 2018, số người hút thuốc hoặc sử dụng thuốc lá trên toàn thế giới giảm hơn 60 triệu người so với năm 2000, báo cáo của WHO cho biết, với tổng số người sử dụng thuốc lá giảm xuống còn 1,337 tỷ người trên toàn cầu vào năm 2018 từ mức 1,394 tỷ vào năm 2000.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters)