Nhà văn Nguyễn Quang Hà chia sẻ câu chuyện về những ngày nằm vùng trong kháng chiến chống Mỹ

Tọa đàm nghe các văn nghệ sĩ chia sẻ về quá khứ hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, về sự hy sinh to lớn của những người lính Cụ Hồ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Độc giả còn được nghe những câu chuyện sống động về những ngày chiến đấu, nằm vùng của chính các nhà văn, nhà thơ, sự che chở đầy yêu thương và hy sinh của Nhân dân để nuôi giấu cán bộ... Những ngày nếm mật, nằm gai, tận mắt chứng kiến những hành động dũng cảm, tinh thần chịu đựng gian khổ, sự hy sinh to lớn của quân và dân Thừa Thiên Huế là cảm hứng, chất liệu để các nhà văn, nhà thơ sáng tác những tác phẩm về chủ đề chiến tranh.

Dịp này, các nhà văn, nhà thơ cũng chia sẻ cảm xúc về hình tượng người lính Cụ Hồ trong tác phẩm của mình, như: nhà văn Nguyễn Quang Hà với các tiểu thuyết: “Vùng lõm”, “Nếu không có Nhân dân”, “Thời tôi mặc áo lính”; nhà văn Nguyễn Khắc Phê với tập ký sự “Vì sự sống con đường”, “Đường giáp mặt trận”; nhà thơ Võ Quê với tập thơ “Một thuở xuống đường”…

Ở lĩnh vực sân khấu, hình tượng người lính xuất hiện khá nhiều trong các vở diễn ca kịch. Từng hóa thân vào nhân vật Bác Hồ và đạo diễn thành công các vở ca kịch: “Hồi ức màu đỏ”, “Điều không thể mất”, “Sáng trong như ngọc một con người”…, NSND Ngọc Bình cũng chia sẻ về những cảm xúc, khó khăn trong việc xây dựng hình tượng người lính Cụ Hồ trên sân khấu.

Tin, ảnh: Minh Hiền