Châu Á vẫn là điểm sáng của toàn cầu. Ảnh minh họa: VOV

Ngày nay, thị trường toàn cầu đang phải đối mặt với sự thay đổi chưa từng có. Những vấn đề toàn cầu nổi cộm như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, vấn đề chống toàn cầu hóa ngày càng khốc liệt, đột phá công nghệ hay thắt chặt các quy định tài chính, tăng các mối quan tâm về kinh tế vĩ mô và địa chính trị đã và đang là những yếu tố làm gia tăng tình trạng bất ổn.

Tuy nhiên, châu Á vẫn là điểm sáng với các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu. Đối với khu vực Đông Nam Á, một cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra, mở cánh cửa thu hút đầu tư và tạo nên nhiều cơ hội tốt cho khu vực phát triển.

“Hơn bao giờ hết, các nhà đầu tư quốc tế đã và đang nhận thức được rằng châu Á đóng một vai trò rất quan trọng để quản lý rủi ro. Thách thức ở đây chính là khai thác tốt thị trường này. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích tất cả cần gắn kết với nhau như một ngành công nghiệp. Chúng ta cần mạnh mẽ trong việc quản lý rủi ro và không ngừng khám phá những có hội mới ở phía trước”, ông Loh Boon Chye, Giám đốc Điều hành SGX cho hay.

Xét riêng ở Đông Nam Á, triển vọng tăng trưởng của một số nước được nhận định rằng: Đối với Indonesia, tăng trưởng GDP trung hạn của Indonesia cho năm 2024 được dự báo sẽ đạt mức 5,1%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm liên tục, cùng lúc việc mở rộng các đặc khu kinh tế sẽ đem lại nhiều lợi ích tốt cho đầu tư.

Trong khi đó, Malaysia sẽ chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế trung hạn ổn định ở mức 4,4%, thấp hơn so với mức trung bình vào khoảng 5,2% của giai đoạn 2013 – 2017. Được biết, quốc gia này đang nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và mà mở rộng nền tảng công nghệ.

Tại Thái Lan, tăng trưởng trung hạn ước tính vào khoảng 3,2%, cao hơn so với mức trung bình 2,8% tính từ năm 2013 – 2017. Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng 6,5% vào năm 2024, vượt qua mức trung bình 6,2% trong giai đoạn cũ với môi trường đầu tư sôi động. Các hiệp định thương mại vừa ký kết gần đây cũng thúc đẩy xuất khẩu phát triển trong bối cảnh nhiều làn gió ngược đang diễn ra. Riêng với Việt Nam, giữ vững tốc độ phát triển của khu vực nông thôn để bắt kịp với khu vực đô thị đang là một thách thức lớn cần chính phủ quan tâm và giải quyết.

Đan Lê (Lược dịch từ CNBC & OECD)