CLB Karate - do Nghĩa Dũng có rất nhiều sinh viên đăng ký tham gia tập luyện. Ảnh: TLP

Những ngày nắng ấm giữa mùa đông, hơn 300 võ sinh của CLB Karate-do Nghĩa Dũng ở Trường đại học Y dược, Đại học Huế thỏai mái luyện tập những đường quyền theo sự chỉ dẫn của huấn luyện viên. Tiếng hô kiai theo từng bước chân di chuyển cùng đường quyền vang cả một khoảng không gian rộng lớn.

Thành lập từ nhiều năm về trước, CLB Karate-do Nghĩa Dũng không chỉ là một sân chơi rèn luyện võ thuật, mà còn là nơi để giải tỏa áp lực, mệt mỏi sau những giờ học của các bác sĩ, điều dưỡng trong tương lai. Trong bộ võ phục trắng, nhiều võ sinh của câu lạc bộ chia sẻ, ban đầu chỉ có ý định tham gia giải để rèn luyện sức khỏe và tìm chút niềm vui sau những giờ học căng thẳng. Vì thế, sau buổi chiều khi giờ học kết thúc, vừa cởi chiếc áo blouse trắng liền thay vào bộ đồ võ phục cùng có màu tương tự để kịp lên sân trường luyện tập. Và khi đến luyện tập rồi thì càng ngày càng đam mê. “Học võ không chỉ ở những đường quyền, những tư thế tự vệ mà còn học được phẩm chất, đạo đức và rèn luyện tính kiên nhẫn cho bản thân” – võ sinh Vi Thị Nga (sinh viên Trường đại học Y dược, Đại học Huế) chia sẻ.

Nga kể thêm, những ngày đầu khi đến với câu lạc bộ chỉ ngồi quan sát là chính. Tự nhận mình là người hơi rụt rè và có phần bướng bỉnh, nên mong muốn được thông qua môn võ này để “kìm hãm” những điểm xấu này. Sau hơn một năm say sưa tập luyện với những đòn thế Karate-do phức tạp và đẹp mắt đã giúp Nga trở nên mạnh dạn, tự tin. “Chính môn võ này đã giúp mình có thêm năng lượng, cân bằng được việc học, và sinh hoạt hàng ngày, thành ra cứ đến buổi tập mà không ra sân sẽ cảm thấy vô cùng bứt rứt”, Nga nói.

Một buổi luyện tập của các võ sinh CLB Karate - do Nghĩa Dũng Trường đại học Y dược, Đại học Huế. Ảnh: TLP

Là huấn luyện trực tiếp cho các võ sinh ở đây, võ sư kiêm huấn luyện viên trưởng của CLB Hồ Đăng Quốc Hùng cho biết, hiện nay có 300 võ sinh là sinh viên của trường đăng ký tham gia tập luyện. Bên cạnh việc giải tỏa căng thẳng sau mỗi giờ học, giúp đầu óc các em có những giây phút thư giãn, CLB còn hướng đến rèn luyện tinh thần, thói quen trong mỗi người như làm việc đúng giờ, xây dựng kế hoạch công việc khoa học, quyết đoán hơn. “Lúc đầu các em không biết nhiều về CLB, nhưng thông qua nhiều kênh, các em đã tìm đến và cảm nhận rằng cần phải đến. Đến không phải cho vui, mà có mục đích rõ ràng đó là rèn luyện võ học, rèn luyện bản thân, tinh thần…”, võ sư Hùng chia sẻ.

Không riêng ở Trường đại học Y dược, Đại học Huế mà môn võ này đã được lan tỏa, và trở thành một sân chơi ý nghĩa ở nhiều trường đại học, thu hút rất nhiều sinh viên tham gia luyện tập. Đến nay, Karate-do Nghĩa Dũng đã có mặt ở một số trường, như Khoa Giáo dục thể chất, Trường đại học Ngoại ngữ, đại học Sư phạm (Đại học Huế), đại học Phú Xuân… với hàng ngàn võ sinh là sinh viên.

Võ sư Nguyễn Dũng Minh, Giám đốc kỹ thuật Võ đường Karate-do Nghĩa Dũng cho biết, những CLB của võ đường được thành lập ở các trường đại học thường thông qua Đoàn, Hội Sinh viên hoặc ban giám hiệu từng trường. Những năm trở lại đây, phong trào tập luyện võ nói chung và Karate-do trong trường học phát triển rất mạnh, điều này cho thấy tín hiệu vui là các sinh viên quan tâm và thấy được vai trò quan trọng trong việc rèn luyện thể chất.

Quyền cước hay những buổi tập đấu đối kháng là những nội dung trong môn võ này mà hầu hết các võ sinh phải trải qua. Tuy nhiên, mục đích của Karate-do Nghĩa Dũng là hướng các em võ sinh có được sức khỏe, kỹ năng tự vệ, ứng xử trong cuộc sống, để rèn luyện đạo đức, phẩm chất cho các em. “Chính những giá trị đó mà việc các em tích cực tham gia rèn luyện môn võ này ngày càng đông. Nhiều em sau khi tốt nghiệp dù đi học tiếp, hay đi làm xa vẫn có thể rèn luyện tiếp ở những CLB, phân đường có mặt ở khắp nơi”, võ sư Minh nhấn mạnh.

NHẬT MINH