Dân gian bảo: muốn ăn thì lăn vào bếp. Nhiều người cười vì tưởng đến hàng quán chỉ việc bỏ tiền ra để thưởng thức nhưng ngẫm cho cùng về làng ăn hàng cũng lắm công phu. Này nhé, mấy ai vất vả vượt một quãng đường xa (có lúc lên đến hơn chục cây số) để thưởng thức món ăn không nào. Đã thế có lúc phải lăn xả lựa, mua, trả giá nguyên vật liệu và chờ đến lượt mới được nếm món ăn: bánh xèo cá kình ở chợ An Truyền là một ví dụ.

Cứ tưởng là mỗi mình và người thân có cái thú “Miếng ngon xa mấy… cũng đi” nhưng nào ngờ đến nơi toàn gặp những người “chịu khó” y mình. Thứ nhất là vì nghe thiên hạ kháo nhau, xem trên mạng, chia sẻ qua diễn đàn xã hội nên thứ bảy, chủ nhật là hẹn nhau về làng quê ăn hàng. Cũng cơm hàng cháo chợ thế thôi nhưng cảm giác khác hẳn ở thành phố (cứ ra ngõ là bún, cháo, mì… thật nản!). Trên đường về còn được “khuyến mãi” đủ thứ: nào là không khí trong lành, cảnh thanh bình yên ả; rồi thì được tha hồ chụp ảnh chia sẻ cùng bạn bè trên facebook để thông báo: “Chốn này ta đã ghé chân”! Thích nhất là kiến thức địa danh, ẩm thực được bổ sung liên tục và có thể “vỗ ngực” kể về trải nghiệm cho những người chưa có cơ hội nếm trải. Nói chung là ăn một nhưng được thêm đến năm, bảy thứ khác.

Mỗi nơi một vẻ và giá rẻ bất ngờ khiến đôi khi thấy mình thật chẳng bõ công tìm về chợ quê ăn hàng. Lên chợ Thông (Hương Long) ăn bánh bèo, nậm, lọc cứ dĩa 5.000đ mà tính. Mệ bán bánh còn cho thực khách tự xếp, lựa bánh bỏ vào dĩa thoải mái, cứ đúng số lượng mệ dặn là được.

Về Hương Phong (Hương Trà) tô bún trộn 3.000đ, rau sống nhìn cọng giá rễ con tua tủa là biết ngay người ta tự ương; bì nước mía cũng 3.000đ; lại còn bánh rán nhân đậu đỏ rắc mè đen giòn tan, thơm ngậy mỗi cái 1.000đ; bánh gói đậu xanh nóng hổi 1.000đ một cái. Sao cứ nghe giá một, hai ngàn là tự nhiên thực khách thấy gắn bó với chốn này chi lạ. Chợt nghĩ dân thành phố không ăn tô bún bò, với số tiền ấy về đây ăn hàng sáng chắc được bữa no, lại còn mua được khối thứ mang về nhà.

Thắc thỏm chờ đến lượt được ăn bánh xèo cá kình ở chợ An Truyền (Phú Vang) cũng khiến lòng chộn rộn. Ngoài cá kình tự mua (tất nhiên rẻ hơn chợ thành phố), mỗi cái bánh xèo chỉ trả thêm 1.200đ tiền công. Hèn chi hàng bánh xèo nào cũng đông, phải xếp hàng chờ đến lượt. Nghĩ được miếng ăn thiệt cực nhưng đến khi lưỡi tiếp cận với một món ăn tươi ngon thì cái sự cực dường như tan biến. Trong lúc chờ cá kình, nếu sốt ruột thì gọi thêm tô bún nghệ 5.000đ hoặc tô cháo lòng 10.000đ. Hai món ăn chính danh chợ An Truyền này chỉ xếp sau bánh xèo cá kình mà thôi.

Nhắc đến quê y như rằng liên tưởng tới thực phẩm sạch nông dân tự trồng để ăn, thi thoảng bội thu hay kẹt tiền người ta mới mang ra chợ bán. Thế là ngoài no cái bụng, chị em còn lỉnh kỉnh mua thêm biết bao rau quả, cả cá tôm thiên nhiên cũng không tiếc dù chắc rằng phải bỏ tủ lạnh cả tuần mới ăn hết. Một chuyến về làng quê mới biết nơi ấy có tục thờ đá, chợ nọ vẫn còn mệ mang áo dài khi bán cau trầu, chốn này người ta đẩy xe cút kít đi chợ thay vì mang giỏ như ở thành phố. Con nhỏ biết thêm cách gặt lúa, đời sống nông thôn; người lớn được hít hà chút hương rơm ngày mùa xưa cũ. Cuộc sống thêm hương vị. Ký ức ấu thơ ùa về, cảm giác cuộc đời vẫn đang chảy với nhiều mạch nguồn tươi mới như mời gọi, đón chào phía trước.

Hẹn tuần mới, ta lại về làng quê, không quên đưa thêm về những người bạn mới.

L.Tuệ