Người làm mắm đang hối hả sản xuất sản phẩm cung ứng thị trường tết

Nhu cầu tiêu thụ cao

Thời điểm này, khắp các con đường ở xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) dậy lên mùi mắm. Sản xuất nước mắm là nghề truyền thống từ xưa, với lợi thế có nguồn nguyên liệu dồi dào, người dân Phú Thuận sản xuất được nhiều loại mắm, từ nước mắm cá, ruốc đóng chai đến những hũ mắm cá cơm, cá rò, mắm thính...

Hiện, Phú Thuận có gần 300 hộ dân sản xuất, trữ kinh doanh mắm và các loại mắm. Ngoài ra, một mô hình hợp tác xã làng nghề nước mắm Phú Thuận ra đời đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn hội nhập, mở ra hướng đi mới cho làng nghề truyền thống địa phương.

Vào những ngày cận tết, những hộ sản xuất đang hối hả sản xuất đóng gói sản phẩm theo đơn đặt hàng của thị trường. Nếu những tháng bình thường, bà Nguyễn Thị Hoa (thôn An Dương, xã Phú Thuận) sản xuất khoảng gần 500 lít nước mắm thì tháng tết, cơ sở của bà phải tăng tốc sản xuất gấp 2-3 lần để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Ngoài ra, cơ sở của bà còn sản xuất thêm các loại mắm khác để bỏ sỉ và lẻ cho các đại lý trong tỉnh.

“Ngày tết, nhu cầu tiêu thụ mắm thường tăng cao, cơ sở của tui phải thuê thêm nhân công để đóng gói sản phẩm. Các đại lý, khách hàng thân thiết cũng đặt hàng thêm để làm quà tặng dịp tết nên sản xuất được chừng mô thì thị trường tiêu thụ chừng đó”, bà Hoa chia sẻ.

Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, nghề làm mắm tại địa phương này đang mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Đặc biệt, dịp giáp tết hàng hóa được tiêu thụ không chỉ nội tỉnh mà còn ở các tỉnh thành trong cả nước. Vì thế giá trị sản phẩm của làng nghề truyền thống được vươn xa.

Không chỉ Phú Thuận, khắp các làng chài miệt biển trong tỉnh, như Phong Hải (Phong Điền), Quảng Công (Quảng Điền), Phú Hải (Phú Vang),… nghề làm mắm đang có “tháng củ mật”.

Cuối năm 2019, làng nghề nước mắm Hải Nhuận (Phong Hải) được công nhận. Và tại địa phương này, không chỉ Hải Nhuận mà hầu như tất cả các thôn trong xã đều có những hộ dân sản xuất mắm. Dịp tết này, thị trường rộng mở khiến thương hiệu mắm Hải Nhuận được tiến xa. Trước đó, sản phẩm của làng nghề này theo nhiều con đường sang Mỹ.

“Dịp tết là thời điểm nhiều kiều bào nước ngoài về thăm quê hương. Nước mắm địa phương chính sản phẩm quà tặng được nhiều Việt Kiều ưa thích. Ngoài ra, sau khi làng nghề truyền thống được công nhận, tiếng tăm nước mắm Hải Thuận được nhiều người biết đến hơn. Những ngày này, người làm mắm như tui phải bỏ công sức làm việc gấp 2-3 lần bình thường mới kịp đáp ứng nhu cầu”, bà Trần Thị Bồng (xã Phong Hải) cho hay.

Nước mắm "Bà Giang" đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường

Chất lượng giữ “hồn” sản phẩm

Theo thống kê của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản thủy sản tình, toàn tỉnh có 4 làng nghề sản xuất nước mắm được công nhận. Hàng năm cung ứng cho thị trường gần 1,3 triệu lít nước mắm (tương đương với 1.300 tấn nguyên liệu) và 1.565 tấn tôm chua và mắm các loại, góp phần giải quyết việc làm cho gần cả ngàn lao động tại địa phương. Đến nay, những làng nghề hiện vẫn còn giữ được “hồn cốt” là bởi mắm được sản xuất theo phương pháp truyền thống. Các hộ sản xuất nước mắm, ruốc đơn lẻ  được liên kết với nhau và sản xuất theo hướng hàng hóa, đồng nhất sản phẩm theo một tiêu chuẩn nhất định nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm nước mắm truyền thống.

Với người sản xuất nước mắm, tùy theo mùa cá, nguồn nguyên liệu mà họ cho ra những sản phẩm phù hợp. Người dân tận dụng tối đa nguồn hải sản tại địa phương và các vùng lân cận để sản xuất. Đối với nước mắm, cá sau khi ủ vào lu chứa được đậy kín, đặt ở nơi khô ráo. Mỗi loại cá có thời gian ủ khác nhau, thông thường thời gian mắm chín phải mất từ 9-12 tháng.

Trước “cơn lốc” của các sản phẩm công nghiệp trên thị trường, nhiều hộ sản xuất nước mắm đã mạnh dạn đầu tư máy móc để rút ngắn thời gian các công đoạn.

Từ một cơ sở sản xuất mắm chỉ mang tính tự cung tự cấp, bà Hồ Thị Giang (thôn Tân Thành, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền) từng bước tạo dựng thương hiệu thị trường. Bà được Phòng Công thương huyện Quảng Điền, Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại hỗ trợ thiết bị phục vụ sản xuất, gồm máy đánh ruốc, máy xay bột và máy ép ruốc. Các loại máy này có tổng trị giá 124 triệu đồng, trong đó nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 34 triệu đồng. Sau khi đầu tư thiết bị, nhãn hiệu nước mắm “Bà Giang”  đã khẳng định thương hiệu trên thị trường.

“Với người làm mắm truyền thống, chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu. Tuy nhiên, để sản xuất số lượng lớn cần đầu tư máy móc hiện đại. Hằng năm, tôi nhập khoảng 2 tấn nguyên liệu làm mắm và nghiên cứu thời gian sản xuất để sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường dịp tết. Tết năm nay, nhiều đại lý, cơ sở đặt mua số lượng lớn, chủ yếu để xuất đi các tỉnh thành trong cả nước. Năm 2020, tôi sẽ đầu tư thêm máy sấy để nâng cao hiệu quả sản xuất”, bà Giang nói.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh cho biết: “Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng về các loại mắm dịp tết sẽ tăng. Theo đó, những làng nghề sản xuất nước mắm sẽ bán nhiều sản phẩm, mang lại thu nhập cao hơn so với bình thường. Tại các làng nghề trong tỉnh, chủ yếu phương thức sản xuất theo hướng truyền thống nên chất lượng được đảm bảo”.

Bài, ảnh: L.Thọ