Việt Nam sẽ điều hướng ASEAN hướng tới kinh tế hòa bình. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+

Chủ tịch Viện Nghiên cứu ASEAN CIMB (CARI) Tan Sri Dr Mohd Munir Abdul Majid cho biết, khi trở thành “tiếng nói” của ASEAN, Việt Nam nên chuẩn bị kỹ lưỡng và có lập trường vững chắc về các vấn đề toàn cầu khi tham gia các diễn đàn quốc tế như Diễn đàn Hợp tác Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương cũng như 20 hội nghị thượng đỉnh khác sẽ diễn ra trong thời gian tới.

“Thương mại là huyết mạch của nền kinh tế trị giá 3 nghìn tỷ USD của ASEAN, chiếm 90% GDP khu vực. Do đó, cải thiện thương mại nội khối và thúc đẩy đầu tư là vấn đề tiên quyết quan trọng trong thời điểm hiện tại, đặc biệt là trước những cơn gió ngược chống lại thương mại quốc tế. ASEAN phải trở thành khu vực dẫn đầu trong việc kêu gọi hòa bình kinh tế thế giới”, Chủ tịch Mohd Munir Abdul Majid khẳng định.

Được biết, một trong những lĩnh vực đang cản trở thương mại ASEAN là hàng rào phi thuế quan.

Trước vấn đề này, ASEAN nên tập trung vào việc giảm các hàng rào phi thuế quan gây ảnh hưởng cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Vấn đề này cũng đặc biệt quan trọng khi thay vì giảm đi, hàng rào phi thuế quan lại tăng lên mạnh mẽ kể từ khi AEC ra đời vào năm 2015.

Trong một dữ kiện khác, thương mại nội khối ASEAN đã và đang duy trì ở mức dưới 25%. Thậm chí thương mại nội khối RCEP (đối tác kinh tế toàn diện khu vực) cũng cao hơn, đạt mức 32%. Trong năm 2018, ASEAN đã đạt mức phát triển rất tốt, cụ thể là vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tổng GDP đạt 3 nghìn tỷ USD, cùng lúc thu hút được tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất từ trước đến nay là 154,7 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi đạt mức tăng trưởng là 5,2% trong năm 2018, dự báo tăng trưởng cho năm tiếp theo lại giảm trước khi khả năng tăng trưởng dự kiến có thể khả quan hơn vào năm 2020.

Với tình hình này, trên cương vị là chủ tịch luân phiên của khối, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Lê Quý Quỳnh cho biết Việt Nam có kế hoạch cải thiện năng lực thể chế thông qua cải cách thể chế và cải tiến quy trình thủ tục trong các cơ chế do ASEAN lãnh đạo.

Trong bối cảnh bất ổn toàn cầu, gần đây nhất là sự căng thẳng giữa Mỹ và Iran, đoàn kết giữa các thành viên ASEAN đóng vai trò vô cùng quan trọng trên trường quốc tế.

Vào năm 2020 này, Việt Nam tuyên bố sẽ tập trung vào việc tăng cường đoàn kết, hội nhập và nâng cao bản sắc kinh tế của ASEAN, đồng thời phản ứng nhanh hơn trước thách thức bằng cách thúc đẩy sự chủ động của ASEAN theo Khung Hội nhập kỹ thuật số ASEAN.

Đan Lê (Lược dịch từ The Malaysian Reserve)