Giới thiệu thông tin về Tết hoàng cung qua các tư liệu Mộc bản
Tết Nguyên đán là lễ hội lớn nhất trong tất cả các lễ hội truyền thống của dân tộc Việt Nam. Từ ngày mồng Một tháng Chạp, triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức lễ Ban sóc (ban lịch cho năm mới) tại Ngọ Môn. Sau lễ Ban sóc, triều đình tiến hành lễ Phất thức (lễ rửa ấn, lau chùi các sách phong) tại điện Cần Chánh vào ngày 20 tháng Chạp. Tiếp đến là lễ tế Hưởng ở các miếu (lễ cúng ở các miếu thờ dịp cuối năm). Ngày 30 tháng Chạp, nhà vua ngự điện Thái Hòa để làm lễ Thướng tiêu (dựng cây nêu) cùng các quan văn võ. Thời khắc giao thừa là lúc tiến hành lễ Trừ tịch, xóa bỏ hết những điều không may mắn, vui vẻ của năm cũ.
Ngự lịch thời nhà Nguyễn
Sáng ngày mồng Một tháng Giêng, lễ Tiến xuân – Nghinh xuân bắt đầu. Thời điểm này, nhà vua ngự điện Thái Hòa nhận lễ lạy mừng của quân thần và ban tiền thưởng cho các quan. Từ ngày mồng Ba tết, nhà vua thường tổ chức các cuộc du xuân ra ngoài Kinh thành để tìm hiểu đời sống dân tình và thăm lại thầy giáo cũ của mình. Ngày mồng Bảy tháng Giêng, lễ Khai hạ (hạ cây nêu) được cử hành. Sau 9 phát súng trên Kỳ đài, các quan viên mở hộp đựng ấn triện để bắt đầu công việc một năm mới.
Cận cảnh một mặt khắc thông tin việc hoàng đế Tự Đức ban lộc xuân cho quan lại và thường dân
“Tết hoàng cung qua Mộc bản triều Nguyễn” gồm 32 bản chụp tư liệu mộc bản, bản dập giới thiệu đến công chúng những quy định có tính điển lệ, cùng những hoạt động cụ thể của vua, quan triều Nguyễn trong việc giữ gìn và duy trì tết cổ truyền dân tộc. Trong đó, nhấn mạnh 3 nội dung: việc các vua Nguyễn chuẩn bị cho tết Nguyên đán, các nghi lễ đón tết và thưởng tết.
Mộc bản triều Nguyễn là khối Di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam. Đây là những tài liệu gốc, lưu giữ những giá trị tâm linh và truyền thống văn hóa của lịch sử dân tộc. Thăm Hoàng cung Huế dịp xuân Canh Tý, du khách có nhiều cơ hội thưởng lãm và trải nghiệm Tết Huế xưa trong nhịp sống hôm nay.
Bài, ảnh: Đồng Văn