Dù vất vả, nhưng với nhiều người chở hoa tết đây là mùa bội thu

“Có chuyến tui lấy 50.000 đồng. Nhưng có chuyến chở với khoảng cách xa, số tiền lên đến 200.000 đồng. Mỗi ngày, chạy quần quật từ sáng đến tối, trừ hết các chi phí ăn uống, tiền xăng cũng kiếm hơn triệu”, tài xế xe ôm Nguyễn Cử (An Tây, TP. Huế) kể khi ăn vội ổ bánh mì, giữa không khí nhộn nhịp của chợ hoa phía trước Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh ở giao lộ Ngã 6 TP. Huế. Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, nhưng nụ cười bao giờ cũng nở trên môi, bởi đây là mùa làm ăn được nhất trong năm với những người  như ông Cử.

Đã qua cái tuổi lục tuần với hơn 20 năm đạp xe khắp mọi nẻo đường của Huế, chở không biết bao nhiêu vị khách, vô số tấn hàng hóa nhưng mùa chở hoa tết thuê cho khách hàng được xem là mùa ăn nên làm ra. Ông kể, nhiều khi chạy mấy tháng cũng không bằng chạy 10 ngày có chợ hoa tết. Đến thời điểm này, chuyến gần thì tầm một vài cây số, nhưng có chuyến xa ông chở về tận Sịa (Quảng Điền) hay về tới Lộc Điền (Phú Lộc)… “Người ta trả mình tiền công cao hơn ngày thường là chuyện tất nhiên. Nhưng có khách hào sảng còn “bồi dưỡng” thêm”, ông Cử tâm sự.

Trong khi người bán hoa phụ thuộc vào vụ hoa được mùa, thời tiết tốt và bán đắt hàng thì người chạy xe ôm chở hoa tết cũng không nằm ngoài quy luật đó. Giới xe ôm, xích lô bao giờ cũng cầu mong chủ lô hoa bán được để mình được thuê chở hoa càng nhiều càng tốt.

Cũng như mọi năm, năm nay lái xích lô Nguyễn Văn Tâm (An Hòa, TP. Huế) cũng tất bật ngược xuôi để chở hoa tết. Anh kể, năm nay thời tiết nắng đẹp, chợ hoa đông đúc khá sớm nên anh cũng gác lại việc chở người… chuyển sang chở hoa. Với kinh nghiệm của mình, để có thể có được nhiều khách anh thường lân la với các chủ lô hoa để phụ giúp, ngắm nghía thấy khách vào mua cũng tư vấn nhiệt tình.

“Như thế chủ lô hoa vừa bán được, người vào mua cũng thuê chở. Không chỉ được tiền chở mà nhiều khi các chủ lô hoa còn cho thêm tiền, mời ăn uống”, anh Tâm nói. Chuyến chở thuê cuối cùng theo anh Tâm mà mọi năm bản thân đảm nhận thường kết thúc trước 10h tối 30 tết. Đó cũng là lúc mà anh nhẩm tính lại gần 10 ngày miệt mài “cày cuốc” với “con ngựa thồ”. “Mỗi vụ chở hoa tết như rứa kiếm được 7-8 triệu. Gấp nhiều lần so với những tháng ế ẩm khách. Nhờ rứa mà có tiền mua sắm cho gia đình một vài vật dụng, chi tiêu trong mấy ngày tết”, anh Tâm tâm tình.

Theo kinh nghiệm của dân chở hoa tết, bên cạnh biết rõ tuyến đường di chuyển gần nhất còn phải làm sao tránh giờ cao điểm, kẹt xe. Việc di chuyển hoa lên xe, đặt hoa xuống cũng phải cẩn trọng, nếu không chỉ cần gãy một cành hoa sẽ bị chủ bắt bồi thường.

Nhưng không phải ai chở hoa tết cũng gặp may mắn. Có người trong quá trình di chuyển thì va chạm, không những bị hư hỏng phương tiện mà cây hoa khách thuê chở cũng bị gãy đổ. “Không còn cách nào khác, phải bỏ tiền ra đền cho người ta. Tui nhớ có năm có anh bạn đạp xe ba gác chở không biết làm sao gãy luôn cây mai gần chục triệu của khách. Khách thương tình chỉ lấy lại 5 triệu, anh bạn vừa vui, vừa buồn”, ông Cử nhớ lại và nói rằng nghề nào cũng có may rủi, nên luôn cẩn thận. Đó là chưa kể, anh em trong nghề nhiều khi vì ham hố mà tranh giành khách, rồi dẫn đến gây mất trật tự rất phiền hà.

Bài, ảnh: Nhật Minh