ClockThứ Hai, 23/01/2017 06:20

Vén khéo lo Tết

TTH.VN - Với sự vun vén khéo léo, những phụ nữ nghèo vẫn chuẩn bị cho gia đình đầy đủ hương vị của ngày xuân. Tuy đơn giản, tiết kiệm nhưng sự hào hứng và phấn khởi đón Tết không bao giờ thiếu.

Chắt chiu

Học hành dở dang, Thanh Hoa (quê ở thị xã Hương Trà) mưu sinh bằng nghề bán trái cây ở chợ Bến Ngự. Gian hàng di động của Hoa là mấy rổ trái cây đủ loại, tùy nghi di chuyển mỗi khi mưa, nắng. Chồng làm thợ nề nhưng dạo này mưa suốt, công việc bấp bênh, Hoa lại càng thêm vất vả. Bưng rổ trái cây bán dạo quanh chợ, mỗi ngày Hoa kiếm khoảng 50-100 nghìn đồng. Cận tết, người phụ nữ chưa đến 30 tuổi càng tất bật, chạy đua với thời gian để kiếm thêm tiền lo tết. Mấy rổ trái cây cũng trở nên nặng trĩu.

Giáp Tết, hầu như lúc nào chợ đêm cũng tấp nập khách

Trưa vắng khách, Hoa đếm tới đếm lui nắm tiền lẻ rồi tranh thủ tạt vào gian hàng bán quần áo trong chợ. Lựa tới lựa lui, cô chọn được chiếc áo ấm ưng ý cho cô con gái. Cầm trên tay chiếc áo mới toanh, gương mặt khắc khổ của Hoa như tươi hơn. Cô kể: “Con gái em mới học lớp 1. Mấy hôm nay, thấy bạn bè khoe được ba mẹ chở đi phố sắm đồ Tết, cháu nóng ruột lắm. Buôn thúng bán bưng như em, ngày thường, chi tiêu cho gia đình cũng phải giật gấu vá vai mới đủ, Tết nhất các khoản còn đội lên rất nhiều, làm chi có tiền sắm sửa một lần. Trừ tiền gạo, tiền chợ, em sắm dần mỗi ngày một ít, cũng chỉ dám đến những cửa hàng bình dân. Từ chừ tới tết cũng đủ quần áo, bánh mứt cho tụi nhỏđón tết ”.

Vào dịp Tết, nếu những cửa hàng đồ hiệu sáng choang ánh đèn trên đường Hùng Vương, Bến Nghé, Bà Triệu thu hút những khách hàng khá giả thì “phố thời trang” dọc Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Thủy Dương, Hương Thủy), chợ đêm cạnh Siêu thị Big C hay những chiếc xe bán hàng lưu động là địa chỉ của hàng trăm khách hàng bình dân. Thực ra, đó chỉ là những gian hàng trải bạt hay những chiếc giá treo tạm bợ trên vỉa hè. Mấy hôm nay, cứ vào chập tối, không khí mua sắm ở những nơi này đông đúc, nhộn nhịp không kém bất cứ phố thời trang nào. Thôi thì đủ mặt hàng cho chị em tha hồ chọn: nào quần áo, giày dép, túi xách, mũ nón, tất, kẹp, băng đô đủ màu… Lại có những gian hàng quần áo được xếp gọn ngay ngắn với những chiếc áo sơ mi được lên khuôn trong bao ni lông rất lịch sự, hay họ mang đến đây cả một dãy những cái giá treo, móc trên đó những chiếc quần kaki, quần jean, áo khoác, áo len…

Hòa vào dòng người ấy, mẹ con chị Lanh (phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) đèo nhau lên Huế trực chỉ chợ đêm. Thu nhập từ hàng bán thịt heo nhỏ chẳng thể khá giả, nhưng chị Lanh cũng có cách chuẩn bị tết cho riêng mình. Bới chọn một lúc trong đống đồ nhiều màu sắc, chị hài lòng mua chiếc áo đầm trông khá dễ thương, giá chỉ 150 nghìn đồng cho cô con gái út. Cô con gái lớn của chị thì hớn hở ghé vào khắp các gian hàng nhìn ngắm, lục lọi và mang thử những chiếc áo mình yêu thích. Chị Lanh tâm sự: “Nhà nghèo nên tui nào dám vô mấy cửa hàng sang trọng, dù cuối năm họ có trưng bảng đại hạ giá thì e vẫn đắt. Ở đây giá cả bình dân, mặt hàng phong phú, nếu khéo lựa thì cũng sẽ mua được những bộ đồ ưng ý, thỏa niềm mong ước của con trẻ mà lại hợp với túi tiền eo hẹp của mình”.

Ấm cúng và sum vầy

Theo chân những người lao động nghèo đi sắm Tết, dễ dàng nhận thấy cảnh nâng lên đặt xuống và vẻ mặt tần ngần, lưỡng lự của nhiều người khi quyết định mua món gì đó, dù là hạ giá. Bởi, với túi tiền eo hẹp, họ phải tính toán, cân nhắc để lo cho gia đình mình cái tết đủ đầy, tươm tất.

Là người phụ nữ trong gia đình, quản lý chi tiêu, Thanh Hoa hay chị Lanh đã theo đúng phương châm tiêu Tết của người nghèo. Giá cả và các loại mặt hàng thì có nhiều loại để lựa chọn, nhưng họ thường chọn mua loại ở tầm trung bình, miễn là vẫn đảm bảo chất lượng an toàn. Họ cũng sắm Tết dần dần từ đầu tháng Chạp, giá cả ổn định lại đỡ phải mua một lúc nhiều tiền. Địa chỉ lựa chọn của những người có thu nhập thấp là những gian hàng nhỏ ở chợ vào những giờ vắng khách. Theo chị Lanh, giờ đó dễ ngã giá, chứ gặp lúc khách đông, mình kỳ kèo, người bán cũng chẳng thèm trả lời. “Tuy hơi mất công một chút nhưng tiết kiệm được kha khá tiền. Hơn nữa, cái cảm giác đi sắm từng thứ một cho Tết cũng rất thú vị. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Mình có khả năng như thế nào thì tiêu xài như thế ấy”, chị Lanh bày tỏ.

Với gia đình nhỏ của Hoa, năm nào cô cũng nuôi một con heo để dành cho tết, vừa tiết kiệm, vừa có thịt ngon, sạch ăn tết. Nhất là cái không khí chia thịt với láng giềng, họ hàng, tấp nập như hội. Gà, vịt cô cũng tự nuôi phục vụ cả nhà ăn tết. Không năm nào gia đình Hoa không quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét. Cả nhà mỗi người một tay cùng nhau làm, không khí tết rộn rã. Và, các con của Hoa dẫu chẳng có nhiều quần áo đẹp, đồ chơi đắt tiền nhưng vẫn háo hức với tết lắm. Kể đến đây, mắt Hoa long lanh như quên hết vất vả: “Mình nghèo nên tết nhất, gia đình cũng sẽ tổ chức theo kiểu vợ chồng nghèo mà thôi. Miễn sao đây là dịp gia đình sum họp, vui vầy. Nhìn con có một tấm áo mới mà vui mừng suốt mấy ngày, em cũng thấy vui lây”.

Không có điều kiện để mua sắm những thứ đắt tiền, những người thu nhập thấp thay thế bằng việc tạo không khí sum vầy, ấm cúng trong gia đình. Dường như, cảm giác hạnh phúc và ấm áp ấy không mâm cao cỗ đầy nào thay thế được.

Bài, ảnh: Trang Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em

Tối 28/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức chương trình giao lưu các tổ truyền thông cộng đồng. Đây là hoạt động nằm trong chuổi hoạt hoạt động Ngày hội “Phụ nữ Thừa Thiên Huế trên hành trình khởi nghiệp Xanh và chuyển đổi số”; trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.

Giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em
Chắp cánh cho ước mơ khởi nghiệp của phụ nữ

​Thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” và hưởng ứng Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, sáng 28/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Chuỗi hoạt động Ngày hội với chủ đề “Phụ nữ Thừa Thiên Huế trên hành trình Khởi nghiệp xanh và chuyển đổi số”. Cùng tham dự chương trình có bà Dương Ngọc Linh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển Trung ương Hội LHPN Việt Nam; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phan Ngọc Thọ; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình và lãnh đạo một số ban ngành địa phương cùng đông đảo hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh.

Chắp cánh cho ước mơ khởi nghiệp của phụ nữ
Nâng cao vai trò phụ nữ trong chuyển đổi số

Đó là nội dung được trao đổi, thảo luận tại hội thảo “Tăng cường vị trí, vai trò của phụ nữ trong chuyển đổi số (CĐS)” do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức vào chiều 24/5.

Nâng cao vai trò phụ nữ trong chuyển đổi số
Món quà ý nghĩa từ... rác

Những chai dầu ăn, nước mắm, gói hạt nêm, hay cây xanh... được đổi từ những túi rác tái chế. Đó không những là món quà mọi người nhận từ các cơ sở hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) mà cũng là cách để bất cứ ai cũng có thể sẻ chia, góp phần chung tay giúp đỡ trẻ em, phụ nữ nghèo và góp phần bảo vệ môi trường. Bởi nguồn thu từ những bì rác tái chế đó được hội LHPN các cấp sử dụng trong việc nhận đỡ đầu trẻ em mồ côi, giúp đỡ phụ nữ nghèo...

Món quà ý nghĩa từ  rác
Bàn giao "Mái ấm niềm tin" cho phụ nữ nghèo

Sáng 5/5, Hội LHPN TP. Huế phối hợp với Hội LHPN xã Hương Phong tổ chức khánh thành và bàn giao Mái ấm niềm tin cho bà Trần Thị Đí, thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong.

Bàn giao Mái ấm niềm tin cho phụ nữ nghèo

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top