Các nền kinh tế Đông Nam Á vươn mình bất chấp những cơn gió ngược. Ảnh minh họa: GM Heritage Center/Báo mới
Chiến lược gia trưởng của HSBC Private Bank tại Đông Nam Á James Cheo cho biết, ông hoàn toàn tin tưởng rằng khu vực sẽ vượt qua tình trạng suy thoái của toàn cầu và nhanh chóng bắt kịp với các cường quốc kinh tế trên thế giới.
“Nếu chúng ta nhìn vào thập kỷ tới của Đông Nam Á, đây sẽ là một câu chuyện thú vị. 10 năm tới có thể sẽ là thời điểm vàng của khu vực vì nếu Đông Nam Á tiếp tục phát triển, với tốc độ như hiện nay, khu vực hoàn toàn có thể trở thành khối kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, sau Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc”, Chiến lược gia James Cheo trả lời báo giới Jakarta Globe cho hay.
Vị chiến lược gia đã chỉ ra ít nhất 3 yếu tố thúc đẩy đà tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Đông Nam Á.
Đầu tiên là nhân khẩu học. Cụ thể, 60% người dân Đông Nam Á dưới 35 tuổi. Trong vòng 10 năm tới, một lượng lớn người dân sẽ đến tuổi đi làm, kết hôn. Ngoài ra, sức mua sắm của những cá nhân này cũng sẽ tăng như mua xe ôtô... Đây chính là một trong những dấu hiệu kích thích nền kinh tế.
Thứ hai, đô thị hóa ngày càng mở rộng ở Đông Nam Á, không chỉ ở các đô thị lớn mà còn cả ở khu vực thành thị.
Thứ ba là trên thực tế, Đông Nam Á “kỹ thuật số” hơn so với phần còn lại của thế giới. Trong đó người dân khu vực dành trung bình 4h/ngày để sử dụng điện thoại, lâu hơn nhiều so với các nước khác, khu vực khác trên toàn cầu. Có khoảng 360 triệu người dùng điện thoại trong khu vực nhưng chỉ ½ trong số này sử dụng dịch vụ giao dịch trực tuyến. Đây cũng là một cơ hội lớn để tiếp tục khai thác, thúc đẩy phát triển.
Trong một thông tin có liên quan, HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm có thể sẽ kéo dài đến năm 2021, với tăng trưởng GDP toàn cầu dự kiến đạt 2,5% trong năm 2020 sau đó tăng nhẹ lên thành 2,6% trong năm 2021.
Sản xuất, thương mại và đầu tư dự kiến sẽ còn yếu song chi tiêu tiêu dùng lại đủ mạnh để làm trụ cột của tăng trưởng toàn cầu. Với tình hình này, chiến lược gia James Cheo khuyến khích các nhà đầu tư nên xem xét nhằm vào những lĩnh vực phổ biến với người tiêu dùng châu Á như dịch vụ, du lịch và giải trí.
Đan Lê (Lược dịch từ Jakarta Globe)