Không chỉ riêng Trung Quốc, nhiều nước cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. Ảnh minh họa: TTXVN/Vietnam+

Trong bản báo cáo cập nhật nhất, AMRO cho rằng “dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc” đã khiến tăng trưởng của nước này chậm lại đáng kể, đồng thời, hậu quả cũng lan ra khắp nhiều khu vực và phần còn lại của thế giới.

Được biết, ASEAN+3 gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Dựa trên ước tính của AMRO, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc có thể sẽ chứng kiến mức giảm 0,5%.

Đối với ASEAN+3, văn phòng AMRO cũng ước tính có thể khối sẽ giảm 0,2% GDP. “Những ảnh hưởng liên đới đến khu vực có thể sẽ được nhìn thấy thông qua sự sụt giảm nghiêm trọng trong du lịch Trung Quốc”, tờ Inquirer.Net trích thông tin trong bản báo cáo mới nhất cho hay.

Tình trạng lo sợ lây nhiễm cũng dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng trong du lịch của cả khu vực.

Lấy dẫn chứng Philippines, nơi du lịch đóng góp ít nhất 20% GDP, AMRO nhận định các nền kinh tế có ngành du lịch là một lĩnh vực đóng một phần quan trọng và có tỷ lệ du khách Trung Quốc lựa chọn lui tới cao sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Cụ thể, động thái cấm du lịch đến và đi từ Trung Quốc ngay lập tức là một đòn giáng mạnh với ngành du lịch của nhiều quốc gia, với Campuchia, Thái Lan và Hongkong chịu tác động nặng nề nhất. Trong khi đó, Việt Nam có thể nói là “bị đánh bại” ở mức độ thấp hơn.

Cũng theo báo cáo của AMRO, sự sụt giảm mạnh mẽ về du lịch trong đợt dịch SARS xảy ra hồi năm 2003 có thể được xem là một chuẩn mực tính toán có liên quan. Trong đại dịch SARS, ngành du lịch gần như sụp đổ đối với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore và Indonesia. Trong thời điểm từ tháng 5 đến tháng 6/2003, ngành du lịch các nước kể trên chịu ảnh hưởng rất lớn, từ 50% - 90%. Tuy nhiên, sự phục hồi trở lại đã được nhìn thấy vào năm 2004. Nếu dịch COVID-19 được rút ngắn, một sự phục hồi tương tự cũng có thể xảy ra.

Đan Lê (Lược dịch từ Inquirer.Net)