Tôi thích con sông Truồi. So với dòng Hương hay sông Bồ, sông Truồi thật nhỏ. Bắt nguồn từ dãy núi Bạch Mã - Hải Vân, nơi có độ cao tuyệt đối 820 mét, sông Truồi có chiều dài dòng chính chưa tới 25 km, chảy ra nhiều xóm thôn và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. Hữu ngạn và tả ngạn sông Truồi là xã Lộc Điền và Lộc An, đó là vùng đất của “địa linh nhân kiệt”. Nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh quê ở đây, rồi nữa là những bậc tiền bối cách mạng một thời nổi tiếng, như Lê Bá Dị, Hoàng Đức Trạch, Đoàn Trọng Tuyến, Tống Hoàng Nguyên… Cứ mỗi lần về Truồi, tôi lại nhớ đến bài thơ “Mồ anh hoa nở” của cố nhà thơ Thanh Hải gắn liền với cái chết của một người con xứ Truồi là Trần Ấm.

Tháng 3-1956, Bí thư Xã ủy Lộc Điền là Trần Ấn bám trụ chỉ đạo phong trào cách mạng ở thôn Lương Điền Thượng bị giặc Pháp bắt. Tra tấn và cực hình không xong, địch đưa đồng chí lên ngã ba La Sơn. Chúng cho nhân dân tập trung tại đó, bắt đồng chí Trần Ấm chọn một trong hai con đường, một là nhảy vào lửa, hai là xé cờ Đảng. Đồng chí Trần Ấm đã chấp nhận nhảy vào bếp lửa. Chúng kéo đồng chí ra khỏi bếp lửa, tối hôm sau đưa đi thủ tiêu. Cả xã Lộc Điền và nhân dân huyện Phú Lộc thắp hương tưởng nhớ. Đã đi vào lòng người bao thế hệ là những câu thơ như có lửa: “Mộ anh trên đồi cao/ Bông hồng nở và nở/ Hương thơm bay và bay/ Lũ chúng nó qua đây /Mắt diều không dám ngó”(Thanh Hải, Mồ anh hoa nở).

Chuyện rằng, từ xa xưa người dân quê sống ở núi Ấn Lãnh dọc hai triền sông Hưng Bình đều gọi làng Nam Phổ Cần là làng Truồi. Thế rồi từ cái làng Truồi “gốc” ấy mà không biết bao giờ đã “Truồi hóa” núi Ấn Lãnh và sông Hưng Bình thành núi Truồi và sông Truồi và cả vùng đất rộng lớn xung quanh con sông Truồi kia thành địa danh xứ Truồi. Có người bảo rằng, thuở xa xưa ấy, những vùng đất được gọi là “xứ”. Nghe cũng có lý, thế nhưng lý giải sao đây khi ngay như ở Thừa Thiên Huế có bao nhiêu vùng đất tiếng tăm, vậy mà bên cạnh cái tên “xứ Huế” hình như chỉ có riêng một “xứ Truồi” có dân cư đông đúc, sản vật trù phú, phong tục tập quán, hội hè sôi động…

Còn nữa, xem ra người đời vẫn chưa muốn dừng lại với tên gọi Truồi. Trong kháng chiến chống Pháp, ở thượng nguồn sông Truồi, ở nơi động Truồi, đã hình thành nên một vùng chiến khu đánh Pháp và kéo dài sang cả những năm tháng chống Mỹ có chung tên gọi là “chiến khu Truồi”, được xem là nơi địa thế tốt, giao thông không quá cách trở, có lợi thế cả về công và thủ. Tôi nghe kể, kẻ thù sợ chiến khu này lắm, vì đó là nơi có đi mà chẳng có về với đội quân xâm lược. Miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình và thống nhất, lo cho chuyện quốc kế dân sinh, dòng sông Truồi nơi thượng lưu đã được ngăn lại để hình thành nên hồ Truồi gắn với đập Truồi sẻ chia nguồn nước tưới cho cả nửa tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tôi đã nhiều lần lên hồ Truồi, nơi có thiền viện Trúc Lâm- Bạch Mã mới được xây dựng. Lắng mình trước cảnh thanh tịnh chốn thiền môn, tôi bất chợt nghĩ tới cái tên gọi “Truồi” cho ngôi chùa lớn này. Thì ra có kẻ cũng đã nhắc nhiều đến “chùa giữa hồ Truồi” hay gọi thẳng “chùa Truồi” như một cách gọi dễ tìm và dễ nhớ về thiền viện Trúc Lâm - Bạch Mã, điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến Huế. Nó được xem là hành trình viếng thăm thiền viện Trúc Lâm - Bạch Mã, ngắm cảnh hồ Truồi, thư giãn suối Truồi, một vùng sóng nước mênh mang… Cái tên gọi “Truồi” gắn với xứ Truồi xem ra vẫn chưa dừng lại mà đang tiếp tục với những bất ngờ mới.

Đan Duy