Vấn đề ô nhiễm tiếng ồn ở châu Âu đang ngày càng nghiêm trọng. Ảnh minh họa: AP/VTV.vn
Cụ thể, mục tiêu cho năm 2020 về giảm ô nhiễm tiếng ồn, tiến tới mức độ phơi nhiễm tiếng ồn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ không thể đạt được.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh mức độ ô nhiễm tiếng ồn mà 113 triệu dân EU đối mặt đang ngày càng tăng lên nghiêm trọng, cao hơn so với chuẩn mực đưa ra bởi WHO. Khoảng 1/5 dân số khu vực phải chịu mức độ ồn đến nỗi sức khỏe bị ảnh hưởng.
Về nguyên nhân, tăng trưởng đô thị nhanh chóng được coi là tác nhân chính, với tiếng ồn gây nên từ xe cộ là tồi tệ nhất. Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn từ đường sắt, hàng không và ngành công nghiệp nặng cũng góp phần tác động.
Đáng chú ý, giới chuyên gia cảnh báo vấn đề có thể sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn khi “nhu cầu di chuyển trong tương lai tăng lên”.
Cả EU và WHO đều coi mức độ ồn trên 55 decibel có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Kết quả của một nghiên cứu mới chỉ ra rằng, tiếp xúc với ô nhiễm tiếng ồn gây nên 12.000 ca tử vong sớm và 48.000 trường hợp đau tim do hẹp mạch vành. 22 triệu người đang phải chịu “sự khó chịu mãn tính” và 65 triệu người dân EU bị rối loạn giấc ngủ mãn tính do ô nhiễm tiếng ồn.
Tiếng ồn cũng được cho là một trong số những nguyên nhân của chứng rối loạn nhận thức ở 12.500 trẻ em trên khắp châu Âu.
Trước tình hình này, giới chuyên gia đề nghị cần giảm tần suất hoạt động của giao thông, cải tạo mặt đường bằng phẳng hơn... Sử dụng xe đạp, xe điện và phương tiện công cộng nhiều hơn cũng là một trong số những biện pháp hữu hiệu để giảm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đáng báo động ở Liên minh châu Âu.
Đan Lê (Lược dịch từ Dw News)